top

Danh mục sản phẩm

Vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang. Cách phòng ngộ độc thực phẩm trong gia đình và trường học

06/12/2022 15:10
Vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang
Cách phòng ngộ độc thực phẩm trong gia đình và trường học
Thời gian gần đây dư luận cả nước hết sức bàng hoàng về vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang khiến hơn 660 học sinh và giáo viên phải nhập viện điều trị, trong đó có một nạn nhân tử vong là học sinh lớp 1. Theo ông Cao Văn Trung – Phó trưởng phòng giám sát ngộ độc và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm): Đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất xảy ra trong học đường được ghi nhận từ trước đến nay. Sự việc xảy ra vào ngày 17/11/2022 khi nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú cho 930 học sinh. Bữa ăn gồm 2 suất: suất ăn trưa và suất ăn chiều. Thực đơn của bữa trưa gồm: cánh gà chiên, gà sốt trứng, gỏi gà, canh xương hầm cà rốt, cải thảo, dưa chuột. Bữa chiều gồm bánh ngọt và nước lọc (từ hệ thống lọc nước của nhà trường).
vu-ngo-doc-thuc-pham-tai-truong-ischool-nha-trang-1
Vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang - Khánh Hòa
vu-ngo-doc-thuc-pham-tai-truong-ischool-nha-trang-3
Diễn biến vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool
Nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang
Sau khi phân tích các mẫu thức ăn của học sinh, cơ quan chức năng xác định món cánh gà chiên là nguyên nhân chính gây ngộ độc cho các em. Viện Vệ sinh Dịch tễ Nha Trang cũng đã lấy mẫu, nuôi cấy và phân lập để xác định nguyên nhân và độc tố gây ngộ độc. Kết quả cho thấy có ba loại vi khuẩn được tìm thấy trong thức ăn của học sinh là: Salmonella spp; Bacillus cereusEscherichia coli trong cánh gà chiên. Vi khuẩn Bacillus cereus còn được phát hiện trong mẫu nước mắm mà giáo viên và các em học sinh đã sử dụng trong bữa ăn.
nguyen-nhan-gay-ra-vu-ngo-doc-thuc-pham-tai-truong-ischool-nha-trang
Nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iShool Nha Trang
Các loại vi khuẩn gây ngộ độc ở trường iSchool nguy hiểm như thế nào?
Salmonella spp
Salmonella là một họ vi khuẩn đường ruột tương đối lớn gồm nhiều tuýp huyết thanh (thống kê cho thấy có khoảng 1.500 tuýp có khả năng gây bệnh cho người và động vật, trong đó có 10 chủng phổ biến gây viêm dạ dày – ruột cấp ở người). 
Các vi khuẩn trong họ Salmonella gây ra bệnh thương hàn và viêm ruột cấp tính ở người và động vật.
Trong số các loại vi khuẩn thì Salmonella là loại gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất. Theo Ts.Bs Nguyễn Trung Nguyên – Giám Đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai): ngộ độc Salmonella biểu hiện rất đa dạng, từ nhẹ đến mức độ nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Ở các nước phát triển, tỉ lệ tử vong của các ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella chiếm khoảng 1%.
vi-khuan-salmonella-gay-ngo-doc-thuc-pham
Vi khuẩn Salmonella 
Salmonella có mặt ở khắp mọi nơi và bất cứ loại thực phẩm nào cũng có thể bị nhiễm loại vi khuẩn này. Chúng dễ lây nhiễm vào các loại thức ăn: thịt, cá, sữa, nhất là trứng – loại thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm loại vi khuẩn này. Quá trình lây nhiễm xảy ra khi thực phẩm bị nhiễm phân người hay phân của động vật trong quá trình thu hoạch hoặc chế biến. 
Khi bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella, các vi khuẩn gây bệnh thường tập trung ở ruột. Các ca ngộ độc nhẹ thường không để lại di chứng, đây là những trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn. Một số trường hợp nặng vi khuẩn có thể vào máu gây ra nhiễm trùng huyết, nặng hơn có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.
Cũng theo Ts.Bs Nguyễn Trung Nguyên, bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm do Salmonella sau khi ra viện ăn uống vẫn còn khó chịu do dạ dày, ruột bị ảnh hưởng nên cần cho người bệnh ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa: cháo, súp; khẩu phần ăn tăng dần. Tránh các loại thức ăn khó tiêu hoặc gây đau dạ dày: chua, cay, ngọt.
Để phòng bệnh do vi khuẩn Salmonella, các chuyên gia vệ sinh dịch tễ nhấn mạnh yếu tố “vệ sinh” đóng vai trò rất quan trọng, chúng ta cần rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và chế biến thực phẩm. Các loại đồ ăn phải được nấu kỹ, chỉ nên ăn thức ăn vừa mới nấu.
Bacillus cereus
Bacillus cereus (B.cereus) cũng là một loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết đây là một chủng vi khuẩn gram dương kỵ khí, chúng thường tồn tại trong đất, thảm thực vật và cả trong thực phẩm. Loại vi khuẩn này có khả năng sinh sôi nhanh ở nhiệt độ phòng và rất dễ sinh ra độc tố. Ở điều kiện không thuận lợi (khô, nóng) do quá trình xử lý, chế biến thực phẩm Bacillus cereus vẫn có thể tồn tại dưới dạng bào tử, khi gặp điều kiện thuận lợi (món ăn sau khi đun nấu để nguội) bào tử vi khuẩn B.cereus có thể trở lại trạng thái sinh trưởng và nhân lên.
vi-khuan-bacillus-cereus-gay-ngo-doc-thuc-pham
Vi khuẩn Bacillus Cereus
Vi khuẩn Bacillus cereus có thể gây ra hai dạng ngộ độc khác nhau: dạng thứ nhất, chủ yếu gây đau bụng, tiêu chảy, phân lỏng (không dính nhầy máu). Dạng thứ hai, triệu chứng chủ yếu là mệt mỏi, buồn nôn, nôn. 
Khi bị ngộ độc Bacillus cereus, nếu ở dạng thứ nhất (tiêu chảy), bệnh nhân sẽ có thời gian ủ bệnh dài (8 – 16 giờ), còn nếu ở dạng thứ hai (nôn ói) thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn.
Đa số các ca ngộ độc Bacillus cereus là những trường hợp nhẹ, bệnh nhân thường tự khỏi nên ít được ghi nhận và báo cáo. Tuy nhiên loại vi khuẩn này vẫn là nguy cơ đáng kể đối với sức khỏe con người và mang đến những thách thức không nhỏ đối với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Escherichia Coli (E.Coli)
Escherichia Coli là loại vi khuẩn sống ký sinh chủ yếu ở ruột người và động vật. Đa số chúng là những sinh vật vô hại hoặc chỉ gây tiêu chảy tạm thời và thoáng qua. Tuy nhiên cũng có một số chủng như O157 : H7 có thể gây nhiễm trùng đường ruột nặng với các triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, sốt.
Vi khuẩn E.Coli có thể xâm nhập vào cơ thể qua nhiều đường khác nhau, trong đó nguyên nhân phổ biến nhất là thực phẩm bị ô nhiễm, chế biến không hợp vệ sinh. Tình trạng ngộ độc E.Coli chủ yếu xảy ra ở đường tiêu hóa, khi dùng thức ăn, nước uống hoặc tiếp xúc với đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống hoặc nấu ăn bị nhiễm khuẩn thì mắc bệnh.
vi-khuan-e-coli
Vi khuẩn E.Coli
Cách phòng ngộ độc thực phẩm trong gia đình và trường học
Thực hiện chung theo các nguyên tắc sau:
Ăn chín, uống sôi: chỉ ăn các loại đồ ăn đã được nấu chín kỹ càng, tránh các loại đồ ăn sống hoặc tái.
Rửa tay thật kỹ trước khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Việc này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, giúp loại bỏ vi khuẩn.
Thường xuyên lau chùi, vệ sinh bếp ăn, tủ lạnh bằng xà phòng và các chất sát khuẩn.
 cach-che-bien-thuc-pham-an-toan
Nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn
Đối với bếp ăn gia đình
Để lượng thực phẩm vừa đủ trong tủ lạnh, không để quá nhiều đồ khiến tủ lạnh quá tải, nhiệt độ bảo quản không đảm bảo có thể khiến các loại thức ăn bị hư hỏng.
Tủ lạnh bảo quản thực phẩm phải chia thành nhiều khu khác nhau: các loại thức ăn chín phải để riêng biệt, không để chung với đồ ăn sống, rau củ quả chưa chế biến. Cần phân loại thực phẩm để tránh bị nhiễm khuẩn chéo: các loại trứng, thịt sống, thịt gia cầm, hải sản có thể chứa vi khuẩn và có nguy cơ lây truyền mầm bệnh sang thực phẩm chín, vì vậy không để các loại thực phẩm này gần các loại đồ ăn khác để tránh bị lây nhiễm chéo.
Bảo quản thực phẩm đúng cách
Các loại đồ ăn chín cần đựng vào các hộp nhựa hoặc thủy tinh, có nắp đậy kín, nếu không có nắp có thể dùng màng bọc thực phẩm bọc lại.
Các loại rau, củ, quả nên chia vào các túi nhỏ, buộc kín lại sau đó để vào ngăn bảo quản riêng.
Các loại thực phẩm bảo quản đông lạnh (thịt, cá) cần rửa sạch, chia thành nhiều phần đủ cho nhu cầu của từng bữa ăn, tránh tình trạng đồ ăn sau khi rã đông lại cấp đông trở lại. Nên rã đông thực phẩm bằng lò vi sóng hoặc trong ngăn mát tủ lạnh, không nên để bên ngoài bởi ở nhiệt độ môi trường như vậy vi khuẩn sẽ có điều kiện phát triển nhanh trong thực phẩm.
Các loại trứng gia cầm cần để riêng ở 1 ngăn, tránh để gần hoặc chung với các loại thực phẩm khác.
Trong khi chế biến thực phẩm:
Các loại rau: cần được rửa sạch dưới vòi nước, sau đó ngâm bằng nước muối pha loãng trong khoảng 20 – 30 phút.
Các loại thịt: cần được xát muối cho sạch lớp bên ngoài sau đó trần qua bằng nước sôi để khử mùi hôi và diệt khuẩn.
Các dụng cụ chế biến: dao, kéo, thớt sau khi sử dụng phải rửa sạch, phơi khô. Không dùng thớt bị nấm mốc, không dùng chung dụng cụ chế biến cho thức ăn sống và thức ăn chín để tránh vi khuẩn nhiễm chéo sang nhau.
Sau khi đun nấu
Các loại thực phẩm, sau khi đun nấu nên ăn ngay, không để quá 2 giờ, nếu để lâu hơn phải bảo quản thức ăn trong tủ lạnh. 
Không nên bảo quản đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh (kể cả đối với các loại đồ ăn đã được nấu chín).
cach-che-bien-thuc-pham-an-toan
Phương pháp chế biến thực phẩm an toàn
Đối với bếp ăn trường học
Cần có người phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm ở trường học
Đồ ăn khi được giao về trường cần có người thử trước khi phát cho học sinh.
Lựa chọn các nhà cung cấp thực phẩm uy tín
Kiểm tra định kỳ và đột xuất các mẫu thức ăn của công ty cung cấp suất ăn bán trú. Có thể kiểm tra bất kỳ một khâu nào đó xem có đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.
Ngộ độc thực phẩm có thể gây ra các biến chứng nặng nề như: rối loạn tiêu hóa, rối loạn thần kinh, loạn nhịp tim và có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe: gây vô sinh, quái thai … Vì vậy để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mọi người cần tuân thủ các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm như đã nêu trên, trong đó việc bảo quản thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp phòng tránh đáng kể nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm.
Vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool, Nha Trang là hồi chuông cảnh tỉnh cho các trường học và công ty cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong học đường.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7