top

Danh mục sản phẩm

Vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn bánh mỳ chả lụa. Ngộ độc botulinum là gì? Triệu chứng ngộ độc botulinum

03/06/2023 08:30
Vụ 6 nạn nhân ngộ độc botulinum
sau khi ăn bánh mỳ chả lụa
Vừa qua dư luận cả nước bàng hoàng về vụ ngộ độc botulinum tại Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 5 khiến sáu người phải nhập viện điều trị, trong đó có một nạn nhân đã tử vong. Sự việc này khiến người dân hết sức lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong mùa hè, thời tiết nắng nóng khiến số vụ ngộ độc thực phẩm tăng cao.
vu-ngo-doc-botulinum-sau-khi-an-banh-my-cha-lua
Một bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum được điều trị tại Bệnh viện
Vụ việc diễn ra như sau
Ngày 14/05/2023 Bệnh viện Nhi đồng TPHCM tiếp nhận 3 bệnh nhân nhi là anh em ruột trong một gia đình tại Thủ Đức nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn ói, đi ngoài, chóng mặt, chân tay yếu. Qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ kết luận cả 3 em bị ngộ độc Botulinum từ thực phẩm. Sau khi được điều trị tích cực bằng BAT (Botulinum Antitoxin Heptavalent) - thuốc giải độc Botulinum, đến nay đã có 1 trường hợp là em N.V.H (14 tuổi) tình trạng sức khỏe chuyển biến tốt nên được xuất viện vào ngày 26/05. Hai bệnh nhân nhi còn lại là N.T.X (10 tuổi) và N.V.Đ (13 tuổi) chưa tự thở được, liệt ruột, yếu chi, tiên lượng nặng hiện vẫn đang được điều trị tại bệnh viện.
Ba nạn nhân người lớn bị ngộ độc Botulinum trong đó có hai anh em ruột (người anh: 26 tuổi; người em 18 tuổi) hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trong đó người anh được chẩn đoán nhẹ hơn. Nạn nhân còn lại (45 tuổi) bị ngộ độc botulinum sau khi ăn một loại mắm để lâu ngày, bệnh nhân này được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng đã tử vong tối 24/05 do tình trạng quá nặng.
Ngộ độc botulinum là gì?
Ngộ độc botulinum là một dạng ngộ độc thực phẩm hiếm gặp do vi khuẩn Clostridium botulinum (C. botulinum) gây ra. Đây là một loại vi khuẩn kỵ khí (sống trong môi trường không có hoặc có rất ít oxy).
C. botulinum là vi khuẩn gram dương, hình que, có khả năng sinh bao tử và gây bệnh bằng ngoại độc tố.
Ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum được chia thành 7 tuýp theo ký tự A, B, C, D, E, F, G trong đó, tuýp A và B hay gặp hơn cả, tuýp E ít gặp hơn. Tuýp A thường gặp ở Châu Mỹ, tuýp B gặp ở Châu Âu và tuýp E hay thấy ở Nhật Bản.
vi-khuan-botulinum-la-gi
Đặc điểm của vi khuẩn 
Clostridium botulinum
Vi khuẩn C. botulinum có mặt ở khắp mọi nơi (trong đất, phân động vật, đường tiêu hóa của cá, động vật, gia cầm), cả trên bề mặt thực phẩm. Bình thường, ở điều kiện không thuận lợi, loại vi khuẩn này thường tồn tại dưới dạng bào tử (nha bào) và ít khi gây bệnh cho người. Nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi: môi trường kỵ khí (không có oxy), độ axít thấp, độ mặn thấp, có dinh dưỡng, nhiệt độ thích hợp kèm theo một lượng nước nhất định, các nha bào này phá vỡ lớp vỏ bọc, sinh sôi và tạo ra độc tố botulinum.
Khi tồn tại dưới dạng nha bào, vi khuẩn C. botulinum có sức đề kháng cao, chúng có thể sống sót ở nhiệt độ trên 100℃. Chỉ khi đun sôi ở nhiệt độ 120℃ trong thời gian 10 phút nha bào mới bị tiêu diệt.
Ngoài việc gây ngộ độc thực phẩm, vi khuẩn C. botulinum còn xâm nhập vào cơ thể qua da: vết thương hở do tai nạn gây trầy xước da, sử dụng bơm kim tiêm không vô khuẩn.
Ngộ độc botulinum có nguy hiểm không?
Ngộ độc botulinum là một trong các loại ngộ độc nguy hiểm nhất. Vi khuẩn C. botulinum tiết ra ngoại độc tố cực mạnh (mạnh hơn nhiều lần so với nội độc tố). Chỉ một số ít vi khuẩn có khả năng tiết ngoại độc tố: Clostridium botulinum, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, uốn ván, sinh hơi hoại thư. Trong đó, ngoại độc tố của C. botulinum được xem là mạnh nhất. Chỉ cần tiêm 0.03 mcg chất độc này theo đường tĩnh mạch cũng đủ làm chết 1 người và 1 kg độc tố này có thể gây tử vong cho 1 tỷ người.
Khi vào cơ thể, độc tố botulinum sẽ tấn công vào hệ thần kinh gây liệt các cơ (đặc biệt là cơ hô hấp) khiến nạn nhân khó thở, suy hô hấp và nguy cơ gây tử vong.
ngo-doc-botulinum-co-nguy-hiem-khong
Mức độ nguy hiểm của ngộ độc Botulinum
Cơ chế ngộ độc Botulinum diễn ra như sau
Sau khi ăn thức ăn có chứa Botulinum, độc tố này đi vào đường tiêu hóa. Tại đây, chúng không bị phá hủy bởi axít dịch vị và các loại men tiêu hóa mà được hấp thu vào tá tràng và hỗng tràng, rồi đi vào máu. Sau khi vào máu, botulinum xâp nhập vào các tế bào thần kinh, ức chế quá trình giải phóng acetylcholine (một chất dẫn truyền thần kinh) tại các đầu mút dây thần kinh. Điều này khiến cho các xung động thần kinh bị ngưng trệ dẫn đến hiện tượng liệt vận động.
Triệu chứng khi bị ngộ độc botulinum
Ngộ độc botulinum có thể xảy ra ở các mức độ khác nhau. Nếu ngộ độc nhẹ, có thể người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi, yếu cơ, không thực hiện được các động tác gắng sức bình thường, triệu chứng giống như suy nhược cơ thể. Trường hợp ngộ độc nặng, người bệnh có thể bị liệt tất cả các cơ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Khi bị ngộ độc botulinum, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng ở đường tiêu hóa và hệ thần kinh. Triệu chứng thường xuất hiện từ 18 – 36 giờ sau khi ăn phải đồ ăn bị nhiễm độc tố.
Tiêu hóa
Người bệnh có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt ruột cơ năng, táo bón hoặc tiêu chảy (ít xảy ra).
Thần kinh
Bệnh nhân bị liệt cơ (theo trình tự) từ vùng đầu, mặt, cổ lan xuống hai tay, sau đó liệt các cơ vùng ngực, bụng rồi đến hai chân, liệt đối xứng hai bên. Các triệu chứng kèm theo là: sụp mi mắt, nhìn mờ, nhìn đôi (nhìn một thành hai), khó cử động mắt, khô miệng, đau họng, khó nuốt, nói khó hoặc nói lắp, khan tiếng. Người bệnh thấy khó thở (do các cơ hô hấp bị liệt).
Mất hoặc giảm phản xạ gân xương.
trieu-chung-bi-ngo-doc-botulinum
Triệu chứng ngộ độc Botulinum
Ở trẻ em (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ): thời gian ủ bệnh thường lâu hơn (từ 3 – 30 ngày sau khi tiếp xúc với bào tử). Khi bị ngộ độc botulinum trẻ sẽ có các triệu chứng: táo bón, ăn kém, bú kém, sụp mí mắt, phản ứng chậm với ánh sáng, khuôn mặt ít biểu cảm, tiếng khóc yếu ớt khác với bình thường.
Thực phẩm nào dễ bị nhiễm độc botulinum nhất?
Các loại thực phẩm đóng hộp (thịt hộp, xúc xích, pho mai, lạp xưởng, sữa bột), thực phẩm muối chua (dưa muối, cà muối) bảo quản, lên men tại nhà không đúng cách có thể là môi trường thích hợp cho các nha bào của của vi khuẩn C. botulinum phát triển và sinh ra độc tố botulinum.
Theo bác sĩ – Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các loại thịt hộp có nguy cơ bị nhiễm độc botulinum cao nhất. Tuy nhiên, thực tế từ các vụ ngộ độc gần đây cho thấy tất cả các loại thực phẩm: hản sản, thịt, rau, củ, quả đều có thể bị nhiễm loại độc tố này do bị lẫn bào tử trong quá trình chế biến, đóng gói, bảo quản không đúng cách, không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
thuc-pham-nao-de-gay-ngo-doc-botulinum
Các loại thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm Botulinum
Dấu hiệu nhận biết thực phẩm bị nhiễm botulinum
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, rất khó để nhận biết các loại thực phẩm bị nhiễm độc botulinum do vi khuẩn C. botulinum khi xâm nhập vào đồ ăn, chúng không làm cho thức ăn bị ôi thiu nên người dùng khó nhận biết bằng cảm quan dẫn đến bị ngộ độc khi ăn.
Cũng theo vị Bác sĩ này, khi thấy các loại thực phẩm đồ hộp bị phồng lên thì nhiều khả năng có độc tố botulinum bởi C. botulinum là loại vi khuẩn kỵ khí, trong quá trình phát triển, chúng sinh ra nhiều bọt khí gây phồng vỏ hộp.
Hiện nay, việc sử dụng túi hút chân không đựng thực phẩm đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc bảo quản không đúng cách hoặc quá trình đun nấu không đủ chín cũng có thể dẫn đến ngộ độc botulinum khi ăn.
Cách phòng tránh ngộ độc botulinum
Để phòng ngộ độc botulinum, Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm – Bộ Y Tế khuyến cáo người dân nên thực hiện tốt các biện pháp sau:
Ăn chín – uống chín 
Ăn các loại đồ ăn được nấu chín kỹ lưỡng, tránh các loại đồ ăn tái, sống. Uống nước đã đun sôi để nguội hoặc được khử khuẩn. Hàng ngày, nên sử dụng các loại thực phẩm (nhất là thịt, cá) vừa được chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là nguyên tắc cơ bản, dễ thực hiện. Khi đồ ăn được đun nấu ở nhiệt độ cao, hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh đều bị tiêu diệt
Tuyệt đối không sử dụng các loại nguyên liệu, thực phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bị hỏng: màu sắc, mùi vị thay đổi bất thường. Đặc biệt là các loại đồ hộp bị biến dạng: phồng, bẹp, hoen gỉ, không còn tình trạng nguyên vẹn.
Chỉ sử dụng các loại thực phẩm đã chế biến có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được chế biến bởi các công ty uy tín, có tiêu chuẩn chất lượng cụ thể và được chứng nhận bởi cơ quan chức năng. Thông thường, để phòng tránh độc tố botulinum, các công ty thực phẩm công nghiệp đóng hộp thường sử dụng chất nitric để ức chế độc tố này.
Đối với các thực phẩm được lên men, che đậy kín theo phương pháp truyền thống (như: dưa muối, cà muối, măng chua …) cần phải đảm bảo yếu tố chua, mặn. Nếu thực phẩm muối đã hết chua, mặn thì không nên ăn. Sở dĩ theo nguyên tắc trên là do vi khuẩn C. botulinum không phát triển được trong môi trường chua (pH < 4.6) và mặn (nồng độ muối > 5%).
Không nên sử dụng các sản phẩm được chế biến thủ công, nhỏ lẻ bởi các cá nhân, hộ sản xuất do khó đáp ứng được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy, nhiều vụ ngộ độc xảy ra xuất phát từ những cơ sở trên. Có thể kể đến vụ ngộ độc Botulinum do pate Minh chay, cá chép ủ dưa …
Đối với trẻ em 
Hiệp hội Nhi khoa Mỹ khuyến cáo không nên dùng mật ong hoặc tưa lưỡi (rơ miệng) bằng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi bởi mật ong là môi trường sinh sống lý tưởng của các loại bào tử vi khuẩn.
Thận trọng với các loại đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhất là các loại đồ ăn được bày bán ở vỉa hè, đường phố khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
cach-phong-ngo-doc-botulinum
Cách phòng ngộ độc thực phẩm do Botulinum
Ngộ độc botulinum là một dạng ngộ độc cấp tính rất nặng, nó tấn công vào hệ thần kinh trung ương gây tử vong cao hoặc để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh. Sau khi ăn, nếu người dân thấy có các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, chân tay yếu thì lập tức cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trý kịp thời.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7