top

Danh mục sản phẩm

Tuyến giáp là gì? Tuyến giáp có chức năng gì?

20/07/2022 15:19
Tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp có chức năng gì?
Tuyến giáp là gì?
Là tuyến nội tiết quan trọng của cơ thể, tuyến giáp có hình dạng giống như con bướm nằm ở phía trước cổ, giáp khí quản (từ vị trí từ đốt sống cổ thứ 5 đến đốt sống ngực thứ nhất)
Tuyến giáp nặng khoảng 10 – 20 gam gồm 2 thùy (thùy trái và thùy phải) được nối với nhau bởi eo tuyến giáp.
vi-tri-cua-tuyen-giap
Vị trí của tuyến giáp trong cơ thể
Một số bệnh lý thường gặp ở tuyến giáp: cường giáp, suy giáp, phì đại tuyến giáp (bướu cổ), ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp có chức năng gì?
Chức năng của tuyến giápđiều hành quá trình trao đổi chất của cơ thể thông qua hai loại hormone là FT3FT4 theo cơ chế các tế bào tuyến giáp lấy i ốt từ trong thức ăn (tế bào tuyến giáp là nơi duy nhất hấp thụ được i ốt), sau đó kết hợp với tyrosine – một loại axit amin để tạo thành FT3 FT4. Sau đó, các hormone này được phóng thích vào máu, vận chuyển đi khắp nơi trong cơ thể tham gia vào quá trình trao đổi chất (biến oxy và thức ăn thành năng lượng) cho tế bào hoạt động.
Tuyến giáp bao gồm những loại hormone nào?
Tuyến giáp tiết ra ba loại hormone trong đó có hai hormone tuyến giápFT3 (triiodothyronine), FT4 (thyroxine) và một hormone peptidecalcitonin. Hai hormone tuyến giáp được đặt tên là FT3 (chứa 3 nguyên tử i ốt) và FT4 (chứa 4 nguyên tử i ốt) trên mỗi phân tử.
Các hormone tuyến giáp điều hòa quá trình trao đổi chất, tổng hợp protein, tham gia vào sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể.
Calcitonin giữ vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu, kích thích quá trình hấp thu canxi vào xương. 
hormone-tuyen-giap
Các loại hormone của tuyến giáp
Các hormone FT3 và FT4 của tuyến giáp được sản xuất như thế nào?
Nhiệm vụ chính của tuyến giáp là sản xuất hai loại hormone FT3 và FT4. Quá trình này diễn ra như sau: tuyến giáp lấy các phân tử iod trong máu vào tế bào tuyến giáp, tại đây, trải qua một số phản ứng hóa học để tạo thành FT3 và FT4.
Trong cơ thể người, hoạt động của tuyến giáp được điều khiển bởi hai vùng trong nãovùng dưới đồituyến yên. Khi vùng dưới đồi cảm nhận được nồng độ hormone FT3 và FT4 trong máu thấp, hoặc hoạt động trao đổi chất trong cơ thể thấp, nó sẽ giải phóng ra một loại hormone có tên là TRH (Thyrotropin – Releasing), hormone này đi vào mạch máu và đến tuyến yên. Tại đây, TRH kích thích tuyến yên sản xuất ra hormone kích thích tuyến giáp TSH (Thyroid Stimulating Hormone) sản xuất ra nhiều hormone FT3 và FT4. Hai hormone này được phóng thích vào máu giúp tăng cường quá trình trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể.
Khi nồng độ của FT3 và FT4 trong máu cao, các tế bào sẽ gửi tín hiệu về vùng dưới đồi và tuyến yên để hai cơ quan này tạm ngưng quá trình tiết hormone TRH và TSH. Do đó, tuyến giáp cũng tạm dừng quá trình sản xuất FT3 và FT4 để đảm bảo sự cân bằng, hai loại hormone này chỉ được sản xuất khi nồng độ của chúng trong máu xuống thấp.
qua-trinh-san-xuat-hormon-tuyen-giap
Quá trình sản xuất hormone tuyến giáp trong cơ thể
Chức năng của tuyến giáp
Điều hòa quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể
Hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất ở hầu hết các tế bào, nếu cơ thể bị thiếu các hormone này thì tốc độ trao đổi chất sẽ bị giảm trầm trọng.
Tuyến giáp làm tăng hoạt động chuyển hóa của hầu hết các tế bào trong cơ thể trừ tế bào phổi, não, võng mạc. Tuyến này có thể làm tăng mức chuyển hóa cơ thể lên 60 – 100%. Các hormone của tuyến giáp cũng làm tăng tốc độ các phản ứng hóa học, tăng mức sử dụng oxy của các tế bào, tăng chuyển hóa các chất để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì thế nên nếu hormone tuyến giáp được tiết ra nhiều hơn thì quá trình trao đổi chất cũng tăng lên.
Hormone giáp trạng có tác dụng hoạt hóa men Na+ K+ ATPase qua đó làm tăng quá trình vận chuyển các ion Na+ K+ qua màng tế bào. Quá trình này đòi hỏi một nguồn năng lượng lớn và làm phát sinh nhiệt nên cũng gián tiếp làm tăng mức chuyển hóa của cơ thể.
Tuyến giáp cũng làm tăng quá trình tổng hợp năng lượng ATP do làm tăng số lượng và kích thước ty thể của tế bào. Khi mắc bệnh Basedow, nồng độ các hormone FT3, FT4 của tuyến giáp tăng cao khiến cho các ty nạp thể mở to quá mức. Lúc này quá trình oxy hóa và phosphoryl hóa không đi đôi với nhau, vì thế nên năng lượng không được tích lũy dưới dạng ATP mà thải ra dưới dạng nhiệt.
tuyen-giap-co-chuc-nang-gi
Chức năng của tuyến giáp
Tác dụng trên tim mạch
Kích thích hoạt động của tim, tăng sự co bóp của tim, tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu qua tim.
Các hormone tuyến giáp có ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động của hệ tim mạch. Các hormone này kích thích trực tiếp lên tế bào tế bào cơ tim làm tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu đến tim. Mặt khác, hormone tuyến giáp tác dụng gián tiếp qua hệ thần kinh giao cảm nên khiến tim đập nhanh và mạnh hơn. Những bệnh nhân bị cường giáp trong thời gian dài, tim phải hoạt động nhiều hơn nên cơ tim dễ bị suy yếu. 
Điều hòa thân nhiệt
Vai trò nổi bật nhất của tuyến giáp là kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể, khi tuyến giáp hoạt động bình thường, thận nhiệt luôn được giữ ở mức ổn định. Ngược lại, khi tuyến giáp gặp trục trặc, các hoạt động trao đổi chất diễn ra bất thường khiến thân nhiệt thay đổi. 
Những người mắc bệnh cường giáp thường có cảm giác sợ nóng do các hoạt động chuyển hóa diễn ra mạnh nên thân nhiệt của họ cao hơn bình thường, những người này thường không chịu được thời tiết nóng bức hoặc những nơi có nhiệt độ cao.
Ngược với cường giáp, những người bị suy tuyến giáp lại không chịu được lạnh và bị hạ thân nhiệt. Do quá trình chuyển hóa ở những bệnh nhân này bị giảm dẫn đến việc cơ thể bị giữ nước và tăng cân nhẹ.
Ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của tuyến sữa, tuyến sinh dục
Tuyến giáp có ảnh hưởng nhất định đến hệ sinh sản ở nữ giới, đặc biệt là ở tuyến sinh dục và tuyến sữa. Tuyến giáp có liên hệ mật thiết với hệ sinh sản: khả năng sinh sản của phụ nữ bị chi phối bởi các hormone của tuyến giáp và ngược lại nếu hormone nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ thay đổi thì nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.
Tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới do tác động đến quá trình rụng trứng với các biểu hiện như: rối loạn kinh nguyệt, tắc kinh, không có kinh. Những vấn đề này đều cản trở hoặc làm giảm khả năng mang thai ở phụ nữ.
Những người mắc bệnh suy tuyến giáp còn tiềm ẩn nguy cơ cao bị vô sinh hoặc nếu trong giai đoạn mang thai mắc bệnh tuyến giáp thì có thể bị sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, tiền sản giật. Không những thế, sản phụ bị suy tuyến giáp, đứa trẻ có thể bị tử vong sau sinh hoặc chậm phát triển về thể chất và trí tuệ.
Bệnh cường giáp cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Phụ nữ bị cường giáp có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều, vô sinh, hiếm muộn.
tuyen-giap-anh-huong-den-sinh-san
Tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở người
Ở nam giới, tuyến giáp cũng ảnh hưởng nhất định đến khả năng sinh sản.
Theo một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Clinical Endocrinology và Metabolism: khi nam giới bị bệnh cường giáp thì chất lượng tinh trùng của họ bị giảm do khả năng di chuyển của tinh trùng giảm (tinh trùng nhu động thấp). Kết quả là giảm khả năng thụ thai.
Một nghiên cứu khác công bố trên Tạp chí Urology Journal cho thấy bệnh suy giáp cũng làm giảm khả năng có con của nam giới do khi nồng độ hormone tuyến giáp xuống thấp, tuyến yên bị kích thích và phải hoạt động quá mức khiến cho lượng prolactin được sinh ra nhiều hơn. Prolactin làm giảm sự phóng thích nội tiết tố nam testosterone – chất đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất tinh trùng. Hậu quả là lượng tinh trùng được tạo ra ít hơn và chất lượng cũng thấp hơn so với những người đàn ông khỏe mạnh khác khiến cho việc thụ thai khó khăn hơn.
Thúc đẩy quá trình chuyển hóa lipid, tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Lipid là nguồn năng lượng chủ yếu cho cơ thể hoạt động. Hormone tuyến giáp tác động lên hầu hết các giai đoạn chuyển hóa lipid: tăng quá trình thoái lipid ở các mô dự trữ, thải ra mật rồi ra ngoài theo phân, tăng nồng độ a xít béo tự do trong máu và tăng quá trình oxy hóa các a xít béo ở các mô thành năng lượng cung cấp cho cơ thể.
Tăng đường huyết bằng cách tăng quá trình chuyển hóa glucid
Các hormone của tuyến giáp tham gia vào hầu hết các giai đoạn chuyển hóa của glucid như: tăng thoái hóa glucid ở các mô, tăng hấp thu glucose ở ruột, tăng quá trình tạo đường mới, tăng ly giải glycogen thành glucose ở gan, tăng tiết insulin qua đó làm tăng glucose huyết.
Tăng cường hoạt động của hệ thần kinh - cơ và bộ não.
Các hormone FT3 và FT4 ảnh hưởng mật thiết đến chức năng và hoạt động của bộ não. Nếu nồng độ hai chất này giảm sẽ làm cho não chậm phát triển (thường gặp ở trẻ em). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đứa trẻ sẽ mắc bệnh đần độn.
Hormone tuyến giáp kích thích hệ thần kinh trung ương, vì vậy những người mắc bệnh cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) thường bị căng thẳng, hay xúc động, dễ cáu gắt, khó ngủ, mệt mỏi. Ngược lại, người bị thiểu năng tuyến giáp thường ngủ nhiều (12 – 24 giờ mỗi ngày).
Hormone FT3 và FT4 tăng dẫn truyền thần kinh, rút ngắn thời gian dẫn truyền thần kinh qua synap do tác dụng hoạt hóa các synap. Vì vậy nên những người bị cường giáp thường có thời gian phản xạ gân xương ngắn. Trên lâm sàng, để đánh giá hoạt động của chức năng tuyến giáp, người ta có thể dùng phương pháp đo thời gian phản xạ gân xương.
Những bệnh nhân cường giáp còn có triệu chứng run chân, tay do nồng độ của các hormone tuyến giáp (FT3 và FT4) tăng cao khiến các synap thần kinh ở tủy sống  - nơi được coi là trung tâm của phản xạ điều hòa trương lực cơ bị hoạt hóa mạnh dẫn đến run cơ. Mặc dù run cơ chỉ ở mức độ nhẹ nhưng diễn ra với tần suất nhanh (10 – 15 lần/phút). Run cơ là dấu hiệu quan trọng đánh giá mức độ tác động của các hormone tuyến giáp đối với hệ thần kinh trung ương.
Duy trì cân nặng của cơ thể ở mức ổn định.
Hormon tuyến giáp điều hòa quá trình chuyển hóa các chất cơ thể: glucid, lipid, protid nên chúng giữ cho cân nặng của cơ thể luôn ở mức ổn định. Khi tuyến giáp hoạt động bất thường, trọng lượng của cơ thể cũng thay đổi theo.
Những người bị cường giáp sẽ hay có cảm giác đói, ăn nhiều nhưng vẫn thấy sút cân do hormone tuyến giáp được sản xuất ra nhiều khiến cho quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh và mạnh.
Ngược lại, những người bị suy giáp, cơ thể họ tiết ra ít hormone giáp trạng hơn khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn, lượng calo bị đốt cháy ít hơn khiến cho người bệnh thấy mệt mỏi, khó giảm cân, cholesterol trong máu cũng tăng lên.
Điều hòa, duy trì nồng độ canxi và phospho trong máu ở mức hằng định (nồng độ 1%)
Tuyến giáp sản xuất ra calcitonin giúp điều hòa nồng độ canxi và phosphor trong máu. Calcitonin là một hormone thuộc loại polypeptide do các tế bào cận nang của tuyến giáp (hay còn gọi là tế bào C) tiết ra và được điều hòa bởi nồng độ canxi trong máu. Vai trò của calcitonin là điều hòa nồng độ canxi và phosphor trong máu. Khi có hiện tượng hạ canxi huyết xảy ra, calcitonin sẽ ức chế sự hủy xương qua đó ngăn chặn sự mất xương.
calcitonin
Cơ chế điều hòa nồng độ canxi trong máu của tuyến giáp
Khi xuất hiện tình trạng tăng canxi huyết, calcitonin sẽ làm giảm nồng độ canxi trong máu bằng nhiều cách khác nhau: ức chế sự hấp thu canxi qua đường tiêu hóa, ức chế quá trình giải phóng canxi từ xương vào máu, quá trình này được gọi là hủy cốt bào do các tế bào osteoclast chịu trách nhiệm. Các tế bào này chịu trách nhiệm phân hủy xương, khi xương bị phân hủy, canxi sẽ được giải phóng từ trong xương vào máu. Khi các tế bào hủy xương bị calcitonin ức chế sẽ làm giảm lượng canxi giải phóng vào máu. Mặt khác, calcitonin cũng ức chế hoạt động của các tạo cốt bào (osteocyte), đây là quá trình tái hấp thu canxi từ xương và kích thích thích tăng bài xuất canxi của thận. Tất cả các con đường trên đều dẫn đến kết quả là hạ nồng độ canxi trong máu, tác dụng này trái ngược với tác động của các hormone cận giáp. 
Sự sản xuất calcitonin phụ thuộc vào nồng độ canxi trong máu, khi lượng canxi trong máu tăng lên thì calcitonin được tiết ra nhiều hơn và ngược lại, khi nồng độ canxi trong máu giảm, lượng calcitonin được tiết ra cũng giảm theo.
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn và quan trọng của cơ thể, tuyến này ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều bộ phận. Vì thế nên khi tuyến giáp gặp vấn đề sẽ gây ra rối loạn cho các cơ quan khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Chúng ta cần lưu ý các dấu hiệu mắc bệnh tuyến giáp như: sưng đau cổ, huyết áp tăng, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục, nhạy cảm với nhiệt độ, cân nặng thay đổi thất thường, rối loạn tiêu hóa (táo bón, đau bụng, tiêu chảy), nữ giới kinh nguyệt không đều, rụng tóc, da khô … Khi gặp các triệu chứng này cần đến các cơ sở y tế  kiểm tra tuyến giáp để có biện pháp xử trí kịp thời. 
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7