top

Danh mục sản phẩm

Triệu chứng và cách phòng bệnh đột quỵ mà Danh hài Chí Tài gặp phải khi qua đời

22/12/2020 18:28
Triệu chứng và cách phòng bệnh đột qụy mà Danh hài Chí Tài 
gặp phải khi qua đời
Ngày 9/12/2020 vừa qua, người dân cả nước và người Việt ở Hải Ngoại bàng hoàng khi biết tin nam danh hài Chí Tài qua đời. Sự ra đi của ông khiến cho nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ vô cùng luyến tiếc, xót xa, tiếc thương cho một người nghệ sĩ tài hoa, gần gũi và chiếm được nhiều tình cảm của công chúng.
chi-tai
Danh hài Chí Tài
Theo quản lý của danh hài: Chí Tài mất do đột quỵ. Căn bệnh mà ông gặp phải tương đối phổ biến hiện nay. Thống kê của Tổ chức Đột quỵ cho thấy: Trên thế giới cứ trong 6 người thì có 1 người có nguy cơ đột quỵ, mỗi 45 giây trôi qua lại có một ca đột quỵ và cứ 3 phút lại có một người tử vong do đột quỵ. Đây là căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao thứ 3 sau ung thư và tim mạch.
Vậy đột quỵ là gì? Triệu chứng khi bị đột quỵ (dấu hiệu nhận biết đột quỵ) cách phòng tránh căn bệnh này như thế nào?
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay còn gọi là “tai biến mạch máu não” là tình trạng các mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ khiến dòng máu lên não bị ngưng trệ. Hậu quả là bộ não không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng dẫn đến bị hoại tử (các tế bào não bị chết) khiến não bộ không điều khiển được các chức năng của cơ thể.
tai-bien-mach-mau-nao
Bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Đột quỵ gồm những loại nào?
Bệnh đột quỵ gồm 2 dạng
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (đột quỵ do tắc mạch máu)
Đây là dạng đột quỵ phổ biến (chiếm khoảng 85% số ca đột quỵ). 
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là tình trạng xuất hiện các cục máu đông ở động mạch làm cho động mạch bị tắc nghẽn, cản trở quá trình lưu thông máu lên não.
Đột quỵ do xuất huyết (đột quỵ do chảy máu não)
Dạng đột quỵ này ít phổ biến hơn so với đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng các mạch máu não bị vỡ khiến cho máu trong não chảy một cách ồ ạt gây ra hiện tượng xuất huyết não. 
Thành động mạch yếu, mỏng manh hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ là nguyên nhân phổ biến gây vỡ mạch máu não.
co-may-loai-dot-quy
Bệnh đột quỵ gồm 2 loại
Dấu hiệu (triệu chứng) nhận biết bệnh đột quỵ
Cơ thể mệt mỏi, yếu chân tay, tự nhiên thấy người không còn chút sức lực nào. Cả mặt hoặc nửa bên mặt bị tê cứng.
Đột ngột rối loạn cử động, đi đứng, mất khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp các động tác: không thể nhấc tay chân hoặc cử động khó. Dấu hiệu rõ nhất của người bị đột quỵ là không thể giơ 2 cánh tay qua đầu cùng lúc.
Méo miệng, rối loạn ngôn ngữ: nói khó, phát âm không rõ, nói ngọng, dính chữ. Để kiểm tra triệu chứng này, hãy đề nghị người bệnh nhắc lại câu bạn vừa nói. Nếu họ không nhắc lại được thì người đó có biểu hiện của đột quỵ.
Đột ngột đau đầu không rõ nguyên nhân, cơn đau đầu có thể dữ dội hoặc chỉ thoáng qua
Rối loạn thị giác đột ngột: mắt yếu, thị lực giảm, nhìn mờ, không nhìn rõ.
trieu-chung-benh-tai-bien-mach-mau-nao
Triệu chứng của bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Để nhận biết một người có bị đột quỵ hay không, hãy yêu cầu người đó thực hiện các hành động sau:
- Yêu cầu cười
Người bị tai biến mạch máu não sẽ có nhưng thay đổi ở mặt: liệt mặt, méo miệng, huyệt nhân trung bị lệch. Thay đổi này rõ nhất khi người bệnh cười, nhe răng.
- Yêu cầu giơ cánh tay
Người bị tai biến bị yếu liệt chân tay khiến cho việc điều khiển vận động gặp khó khăn. Yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao để xem họ có bị yếu liệt 1 bên hay không. Thường họ sẽ không giơ tay lên cao được, hoặc nếu nâng được cũng rất khó khăn.
- Yêu cầu phát âm 
Bệnh nhân bị tai biến thường bị rối loạn ngôn ngữ và cử động, nên hãy yêu cầu họ nhắc lại một câu mà mình vừa nói để xem họ nói có rõ không nhằm mục đích đánh giá khả năng nhận thức và giọng nói của người bệnh.
Phải làm gì khi gặp người bị đột quỵ?
Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi nhận thấy một người có dấu hiệu đột quỵ, cần lập tức đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhất. Nếu được phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong và các các di chứng sau tai biến mạch máu não (liệt toàn thân hoặc liệt nửa người, méo miệng …). Theo các chuyên gia: Nếu được cấp cứu trong khung giờ vàng (3 – 4.5 giờ kể từ thời điểm bắt đầu có triệu chứng) và được điều trị bằng các thuốc làm tan huyết khối đường tĩnh mạch hoặc lấy huyết khối bằng các dụng cụ cơ học (đối với trường hợp đột quỵ do thiếu máu não) thì sẽ nâng cao khả năng cứu sống hạn chế sự tàn phế cho người bệnh.
cap-cuu-ngươi-bi-tai-bien-mach-mau-nao
Xử trí khi gặp người bị tai biến mạch máu não
Cách phòng bệnh đột quỵ
1. Kiểm soát huyết áp và điều trị chứng tăng huyết áp.
Cao huyết ápnguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy: những người bị cao huyết áp có nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường 4 – 6 lần. Vì vậy việc kiểm soát tốt huyết áp giữ vai trò vô cùng quan trọng trong phòng bệnh.
Cao huyết áp dẫn tới đột quỵ theo hai cách
- Huyết áp cao khiến cho mạch máu bị xơ cứng do các mảng xơ vữa tích tụ trên thành mạch. Các mảng bám này có thể bít tắc các mạch máu gây hẹp lòng mạch gây cản trở lưu thông máu. Khi chúng bị bong tróc ra khỏi thành mạch, kết hợp với tiểu cầu trong máu tạo thành cục máu đông gây tắc mạch máu não.
- Huyết áp cao gây áp lực mạnh liên tục lên mạch máu khiến chúng bị suy yếu và nứt vỡ gây ra xuất huyết não dẫn đến chảy máu não ồ ạt.
huyet-ap-cao-gay-dot-quy
Bệnh cao huyết áp - Thủ phạm hàng đầu gây đột quỵ
Để kiểm soát huyết áp, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày
Muối là tác nhân làm tăng huyết áp – yếu tố chính gây ra đột quỵ. Theo một thống kê tại Mỹ: những người ăn nhiều hơn 4 gram muối mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp hai lần so với những người ăn ít hơn 1.5 gram muối/ngày (khoảng 2/3 thìa).
- Điều trị chứng cao huyết áp
Nếu bị bệnh cao huyết áp, cần tích cực điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và không được bỏ thuốc
- Tập thể dục thường xuyên, đều đặn với cường độ nhẹ nhàng, vừa theo sức của mình. Duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
- Giữ cơ thể ấm trong mùa lạnh, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
2. Điều trị các bệnh tim mạch
Bệnh rung tâm nhĩ làm tăng nguy cơ gây đột quỵ, những người bị rung tâm nhĩ có nguy cơ mắc quỵ cao hơn 5 lần so với những người bình thường. Bệnh rung tâm nhĩ thường xảy ra ở người cao tuổi (trên 65 tuổi). Rung tâm nhĩ là bệnh liên quan đến rối loạn nhịp tim: tâm nhĩ đập không “ăn khớp” với các buồng còn lại của tim
Bệnh rung tâm nhĩ làm tăng khả năng hình thành cục máu đông trong tim. Khác cục máu đông này di chuyển lên não dễ gây tắc mạch máu não dẫn đến đột quỵ.
benh-rung-nhi-gay-dot-quy
Bệnh rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ
3. Không hút thuốc
Thống kê cho thấy: 25% số ca bị đôt quỵ có liên quan đến hút thuốc, những người hút thuốc có nguy cơ mắc đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng: trong khói thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại, các chất này làm hình thành các cục máu đông – nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Bên cạnh đó: khói thuốc lá cũng góp phần phá hủy thành mạch máu, tạo ra các mảng xơ vữa khiến động mạch bị hẹp và tăng triglyceride máu.
hut-thuoc-la-bi-dot-quy
Hút thuốc lá dễ dẫn đến đột quỵ
Những người hút thuốc lá khiến lượng oxy trong máu giảm dẫn đến sự hình thành các cục máu đông. Khói thuốc lá kích thích động mạch tạo điều kiện thuận lợi cho các mảng bám tích tụ trên thành động mạch.
4. Phòng và điều trị bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) gây tổn thương toàn bộ hệ thống mạch máu (kể cả các mạch máu não). Theo các Nhà khoa học: bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ lên 2 – 6.5 lầntăng tỉ lệ tử vong gấp 2 lần. Vì vậy, những người trên 40 tuổi cần xét nghiệm đường huyết định kỳ để phát hiện sớm bệnh vì những biểu hiện ở giai đoạn đầu của bệnh thường không rõ, rất mờ nhạt hoặc không có triệu chứng gì. Một số triệu chứng của bệnh như: ăn nhiều, uống nhiều, người gầy sút nhanh.
cach-phong-benh-dot-quy
5. Tránh bị lo lắng, stress, trầm cảm
Khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái trầm cảm, tuy nhiên ít người biết rằng: trầm cảm góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Theo một số nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: những người trầm cảm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 45% so với những người khác. Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia cho hay: những người bị trầm cảm thường ăn uống kém và có xu hướng tìm đến các hoạt động không lành mạnh: hút thuốc, uống rượu, lười vận động. Đây là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.
6. Sử dụng một số thực phẩm giúp giảm nguy cơ bị đột quỵ
Ăn Sô cô la (Chocolate)
Theo nghiên cứu của các Nhà khoa học Thụy Điển: những người hay ăn sô cô la thì nguy cơ bị đột quỵ ít hơn 17% so với những người ít ăn hoặc không ăn. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho biết: trong sô cô la có chứa nhiều flavonoid – một chất chống oxy hóa mạnh giúp bảo vệ mạch máu, làm bền vững thành mạch, chống lại các tổn thương của mạch máu, phòng ngừa sự hình thành cục máu đông – yếu tố chính gây đột quỵ. Có thể dùng các loại thực phẩm giàu flavonoid khác như: trà xanh, tỏi, quả dâu tây, quả việt quất, rượu vang.
Ăn táo và lê
Theo nghiên cứu của các Nhà khoa học Hà Lan: những người ăn nhiều Táo và Lê hoặc những loại hoa quả có ruột màu trắng thì nguy cơ bị đột quỵ ít hơn 52% so với những người tiêu thụ ít các loại trái cây này. Các loại hoa quả như Táo và Lê chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa, chống viêm như Quercetin. Một số loại rau củ quả khác cũng giúp ngăn ngừa đột quỵ như: chuối, dưa chuột, hành, tỏi, súp lơ.
Ăn cà chua
Trong cà chua có chứa rất nhiều lycopene – chất giúp cà chua có màu đỏ. Theo các chuyên gia: lycopene là chất chống oxy hóa rất mạnh. Theo một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy: những người có lượng lycopene trong máu cao thì ít bị đột quỵ hơn tới 55% so với những người có nồng độ chất này thấp. Lycopene còn có trong các loại quả có ruột màu đỏ: dưa hấu, bưởi, quả gấc, ổi.
Tiêu thụ cà phê ở mức vừa phải.
Theo các nhà Khoa học Mỹ: Nếu uống quá nhiều cà phê sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ bởi nó khiến cho các mạch máu bị co thắt (sự đóng cửa đột ngột các mạch máu) gây gián đoạn lưu thông máu lên não. Chất caffein trong cà phê gây đau đầu, loạn nhịp tim, tăng huyết áp – nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ.
Tuy nhiên, nếu tiêu thụ cà phê ở mức vừa phải (2 – 3 tách mỗi ngày) thì giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Theo các chuyên gia y tế: chúng ta không nên dùng quá 400 mg caffeine mỗi ngày (tương đương 4 tách cà phê).
uong-ca-phe-tang-nguy-co-dot-quy
Mối liên quan giữa cà phê và bệnh đột quỵ
Bệnh đột quỵ để lại các di chứng nặng nề cho người bệnh. Thống kê cho thấy ¼ số ca đột quỵ dẫn đến tử vong và 30% số bệnh nhân sống sót bị tàn tật với các biến chứng: liệt toàn thân hoặc liệt nửa người, méo mồm, nhìn mờ hoặc nhìn kém (suy giảm thị lực), trí nhớ kém, hay quên.
Để phòng bệnh đột quỵ, cần tuân theo chế độ ăn uống, sinh hoạt nêu trên để tránh bị căn bệnh nguy hiểm này, tránh bị tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7