Tại sao lại xảy ra hiện tượng nổ bình gas?
Cách sử dụng bếp ga an toàn, tránh bị nổ bình gas
Bếp gas là thiết bị rất phổ biến trong các gia đình Việt, chúng được nhiều người lựa chọn sử dụng do có nhiều ưu điểm: giá thành rẻ, dễ lắp đặt, tính cơ động cao (có thể tháo lắp và vận chuyển một cách dễ dàng). Thời gian gần đây, đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến bếp gas gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Gần đây nhất, tại Hà Nội đã xảy ra một vụ nổ bình gas ở phố Định Công, quận Hoàng Mai khiến 3 người thiệt mạng. Tại hiện trường, cảnh sát phòng cháy chữa cháy ghi nhận khu vực bị cháy là một phòng trọ có diện tích khoảng 10m2 nằm sâu trong một con ngõ nhỏ. Vụ nổ mạnh khiến mái nhà bị thổi bay, các cánh cửa bị vỡ nát thành từng mảnh bắn tung tóe khắp nơi.
Hiện trường một vụ nổ bình gas
Sự việc trên chỉ là một trong số các vụ tai nạn thương tâm do nổ bình gas gây ra. Sau vụ việc đau lòng này, Công an Thành phố Hà Nội nhắc nhở người dân cần hết sức thận trọng khi sử dụng bếp ga, bếp điện và các vật liệu dễ cháy nổ. Cần có ý thức và các biện pháp phòng tránh hiện tượng chập điện, rò rỉ khí gas dẫn đến cháy nổ, nhất là vào mùa hanh khô cuối năm.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng nổ bình gas?
Nhiều người vẫn nhầm tưởng hiện tượng nổ bình gas là do bình gas hoặc bếp gas, nhưng thực tế không phải như vậy. Việc rò rỉ khí gas mới là nguyên nhân gây ra các vụ nổ. Có 2 dạng nổ bình gas: nổ vật lý và nổ hóa học. Nổ vật lý là do tác động của các yếu tố vật lý: lực nén cơ học hoặc nhiệt độ môi trường tăng khiến bình gas không chịu được áp suất nén gây nổ. Nổ hóa học xảy ra khi có phản ứng hóa học. Nổ bình gas hiếm khi xảy ra do yếu tố vật lý, đa phần là do nguyên nhân hóa học: khí gas bị rò rỉ trong không gian kín khi đủ điều kiện phát sinh cháy (có phản ứng hóa học) thì phát nổ do phản ứng cháy gây giãn nở với tốc độ nhanh.
Nổ bình gas thường do hiện tượng rò rỉ khí gas
Người dùng bếp gas cần hiểu rằng: bản thân khí gas bị rò rỉ ra môi trường không tự gây ra cháy nổ. Phản ứng cháy nổ chỉ xảy ra khi gas kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp dễ cháy, khi gặp điều kiện thuận lợi (có tia lửa điện phát sinh khi bật công tắc điện hoặc điện thoại, đi giày cao gót có đế bằng kim loại ma sát với mặt sàn) thì rất dễ xảy ra cháy nổ.
Các nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng nổ bình gas
• Dây dẫn gas từ bình gas đến bếp bị nứt hoặc thủng do bị chuột cắn, gập xoắn hoặc đường ống bị oxy hóa do dầu mỡ bám vào, thời gian sử dụng quá lâu
• Van ở bình gas bị hỏng hoặc vặn không chặt (bị lỏng), gioăng van không kín, các đầu nối giữa bình với ống và bếp bị lỏng lẻo khiến khí gas bị rò rỉ.
• Không khóa bình gas sau khi đun nấu hoặc khóa gas không đúng cách
Việc không khóa bình gas sau khi đun nấu rất nguy hiểm, nhất là trong trường hợp đường ống dẫn gas bị hở. Nhiều người đã có ý thức an toàn bằng việc khóa bình gas nhưng họ lại thực hiện sau khi tắt bếp, đây là quy trình sai bởi khi làm như thế lượng khí gas còn trong ống dẫn, vẫn có nguy cơ gây rò rỉ. Theo các chuyên gia, quy trình khóa bình gas đúng là: khóa van bình gas, chờ một lúc cho bếp đốt hết lượng gas trong dây dẫn tới khi bếp tắt hẳn thì tắt bếp gas. Một số người khác có khóa bình gas nhưng lại quên tắt bếp, trường hợp nếu bình gas không khóa hết, khí gas vẫn có thể thoát ra ngoài gây nguy hiểm.
• Bất cẩn khi đun nấu
Nhiều người có thói quen bật bếp gas đun nấu, sau đó không chú ý đến bếp mà đi làm việc khác, có khi quên khiến nước bị trào xuống hoặc gió tạt gây tắt bếp. Khi đó, gas vẫn được bếp bơm ra liên tục mà không được đốt cháy rất nguy hiểm.
Hướng dẫn sử dụng bếp gas an toàn
• Sử dụng bếp gas, bình gas cũ không đảm bảo an toàn
Việc nổ gas do yếu tố bình gas hiếm khi xảy ra do đa số bình gas của các hãng đã được thiết kế, kiểm định độ an toàn một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện một số trường hợp các cơ sở sang chiết gas trái phép không đảm bảo chất lượng hoặc bình gas đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn nhưng không được thu hồi về nhà máy mã vẫn tiếp tục quay vòng sử dụng.
Việc nổ gas cũng hiếm khi do nguyên nhân từ bếp gas, trừ trường hợp sử dụng các bếp quá cũ kỹ, hoen rỉ, bếp quá bẩn không được vệ sinh thường xuyên, mâm chia lửa bị đặt sai, lệch dẫn đến rò rỉ khí gas gây nguy hiểm.
Vậy cần sử dụng bếp gas như thế nào để đảm bảo an toàn? Cách phòng tránh hiện tượng nổ bình gas.
1. Trước khi sử dụng bếp gas
• Lựa chọn bếp gas, bình gas và các phụ kiện đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng
Lựa chọn bếp gas
Hiện nay trên thị trường, có rất nhiều loại bếp gas đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại của nhiều thương hiệu khác nhau. Chúng được chia thành hai loại chính: bếp gas âm (loại bếp đặt âm dưới bàn bếp) và bếp gas dương (gồm bếp đơn và bếp đôi). Tùy theo mục đích, nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính mà mỗi nhà lựa chọn loại bếp phù hợp với gia đình mình. Tốt nhất, nên lựa chọn bếp gas của các thương hiệu đã có uy tín lâu năm.
- Thương hiệu bếp gas trong nước: Sunhouse, Goldsun, Namilux
- Dòng bếp gas liên doanh: Giovanni, Faber, Binova, Electrolux …
- Dòng bếp gas nhập khẩu: các thương hiệu lớn như: Rinnai (Nhật Bản), Fagor, Teka (Tây Ban Nha), Bosch (Đức) hay Baumatic (Anh).
Lựa chọn gas và bình gas.
Cũng giống như bếp gas, bình gas đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn khi đun nấu. Người tiêu dùng nên lựa chọn gas và bình gas của các thương hiệu lớn như: Petrolimex, PetroVietNam (PV Gas), SaiGon Petro Gas. Do gas là một loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn và tính mạng của người dùng nên các bình gas phải được sản xuất bởi các công ty chuyên môn, có uy tín. Bình gas của các thương hiệu này thường có đặc điểm sau:
- Được kiểm tra nghiêm ngặt bằng công nghệ tiên tiến trước khi xuất kho, vẫn còn nguyên niêm phong của nhà máy đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người sử dụng.
- Vỏ bình gas được chế tạo theo tiêu chuẩn DOT – 4BA – 240 của Mỹ (làm bằng thép chịu lực, có độ dày 2.6 mm). Vỏ bình được mạ kẽm hoặc sơn tĩnh điện bằng công nghệ hiện đại, được thử áp suất, sức kéo trước khi nạp gas.
- Van điều áp bình gas được sản xuất bởi các nước châu Âu (Pháp, Đức, Đan Mạch) hoặc Nhật Bản.
- Bình gas được niêm phong bằng màng co (màng nilon), kèm theo là tem chống giả với tính bảo mật cao, khó bị làm giả.
Dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết bình gas chính hãng là trên vỏ bình hoặc cổ bình có dập nổi hoặc in chìm logo và thương hiệu của nhà sản xuất. Trên mỗi bình gas đều có nhãn mác ghi rõ địa chỉ nhà máy hoặc trạm chiết, trọng lượng bình (có gas và không có gas). Người sử dụng cần lưu ý đặc điểm gas tinh khiết của các hãng sản xuất uy tín khi đun, ngọn lửa có màu xanh, tỏa nhiệt cao, không có khói đen và không làm đen đáy nồi.
Các thương hiệu gas uy tín trên thị trường
Lựa chọn các phụ kiện của bếp gas
Bên cạnh bình và bếp gas thì các phụ kiện đi kèm cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Phụ kiện bao gồm van gas và ống dẫn gas
• Ống dẫn ga
Nên chọn loại tốt của các thương hiệu nổi tiếng được nhập khẩu trực tiếp hoặc liên doanh sản xuất với các nước: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ống phải làm từ vật liệu chuyên dụng chống được chuột cũng như các loài gặm nhấm khác và hạn chế sự xoắn gập. Với bếp ga dân dụng, thường sử dụng loại ống 3 lớp (2 lớp cao su chuyên dụng, 1 lớp lưới kẽm). Với bếp gas công nghiệp, tiêu chuẩn của ống dẫn khắt khe hơn. Ống dẫn gas phải là ống chịu được áp suất cao (từ 90 đến 200 bar), thường sử dụng ống 4 lớp có độ bền cao, độ xoắn vô cùng nhỏ và có độ mềm dẻo.
• Van khóa gas
Van khóa gas có chức năng điều tiết áp suất của đường ống dẫn gas giúp lượng khí gas đến bếp được ổn định, duy trì nhiệt độ bảo đảm cho việc nấu nướng hiệu quả hơn. Chức năng thứ hai của van là tránh hiện tượng rò rỉ gas ra môi trường, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Van chụp (màu xanh) và van ngang (màu cam)
Có 2 loại van khóa gas phổ biến hiện nay là van ngang và van chụp trong đó van ngang được sử dụng phổ biến hơn do giá thành rẻ và dễ sử dụng. Một số loại van ngang cao cấp được trang bị tính năng cảm biến khi phát hiện tình trạng rò rỉ khí gas thì công tắc tự động ngắt không cho khí gas tiếp tục rò rỉ ra ngoài. Nhược điểm của loại van này là dễ bị làm giả do có cấu tạo đơn giản, nhiều hàng Trung Quốc kém chất lượng trà trộn vào.
Van chụp
Khác với van ngang, van chụp có cấu tạo phức tạp hơn, việc sản xuất cũng khó hơn. Loại van này có độ bền cao, đảm bảo an toàn và khó bị làm giả. Tuy nhiên, van chụp có giá thành cao nên chỉ một số người sử dụng.
2. Trong khi sử dụng bếp gas
• Lắp đặt bếp gas và bình gas đúng tiêu chuẩn
Bình gas nên đặt ở vị trí thông thoáng, cách bếp tối thiểu 1.0 – 1.5m, đặt bình theo phương thẳng đứng, không đặt nghiêng hoặc nằm. Tránh đặt bình ở gần nơi chứa hóa chất, điều này có thể dẫn đến cháy nổ hoặc bình bị ăn mòn.
Bếp gas: nên đặt ở trên bàn bằng phẳng, mặt bàn bằng đá hoặc kim loại, không đặt trên bàn gỗ. Đặt bếp ở vị trí tránh gió lùa khiến bếp bị tắt khi đun nấu. Không đặt xong nồi có kích thước quá to so với kiềng bếp khiến ngọn lửa trùm xuống dưới gây nguy hiểm.
• Trong khi đun nấu, không được để các vật dụng bắt lửa hoặc dễ cháy gần bếp gas: giẻ bắc nồi, giấy tờ, chai lọ nhựa. Không để các loại hóa chất, thuốc diệt côn trùng gần bếp. Tuyệt đối không được xịt thuốc côn trùng dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy. Việc này có thể gây ra cháy nổ tức thì.
Hướng dẫn an toàn khi sử dụng bếp gas
3. Sau khi sử dụng bếp gas
• Luôn luôn ghi nhớ khóa bình và tắt bếp gas sau khi đun nấu xong (theo trình tự khóa van bình gas trước, sau đó đợi đến khi bếp tắt hẳn tức lượng ga trong ống dẫn được đốt hết rồi mới tắt bếp).
• Vệ sinh bếp gas sạch sẽ
Quá trình đun nấu thường khiến cho bếp gas bị bẩn: nước trào ra, dầu mỡ bám vào, nếu không được vệ sinh thường xuyên có thể dẫn đến hiện tượng gas bị tắc ở bộ chia lửa khiến bếp không hoạt động được. Việc vệ sinh sẽ giúp bếp hoạt động trơn tru, tiết kiệm gas và tránh được hiện tượng rò rỉ khí gas có thể gây ra cháy nổ.
• Định kỳ kiểm tra và bảo dưỡng bếp gas
Hệ thống bếp, bình gas và phụ kiện (ống dẫn, van khóa bình gas) cần được kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ để phát hiện kịp thời các hư hỏng. Việc quan trọng nhất là kiểm tra xem đường ống dẫn gas có bị rò rỉ hay không, nên thực hiện việc này mỗi khi đổi bình gas. Có thể yêu cầu nhân viên của hãng thử độ kín của đường ống và van của bình bằng xà phòng, việc này khá đơn giản, chúng ta có thể tự làm tại nhà với lưu ý quan trọng là chỉ thử bằng xà phòng, tuyệt đối không được thử bằng lửa.
Cách xử trí khi xảy ra hiện tượng rò rỉ gas
Khi ngửi thấy mùi gas trong nhà, việc đầu tiên cần làm là khóa van bình gas lại, sau đó nhanh chóng mở tất cả các cửa (cửa sổ và cửa chính), nhất là các cửa ở phía trên (tạo đối lưu) để khí gas thoát ra bên ngoài, đồng thời giúp hạ bớt nhiệt độ bên trong phòng. Dùng các phương pháp thủ công (quạt nan, bìa giấy) để quạt bớt mùi gas đi. Tuyệt đối không được bật tắt công tắc điện (bóng đèn hoặc quạt điện), khởi động xe máy, dùng điện thoại di động, bật lửa, quẹt diêm hoặc đi giày cao gót có đế kim loại. Những việc làm này làm phát sinh tia lửa điện, có thể gây cháy nổ ngay lập tức.
Cách xử trí trong trường hợp khí gas bị rò rỉ
Trong trường hợp không khóa được van gas hoặc không xử lý hết mùi gas thì phải liên lạc với nhà cung cấp, nếu xảy ra cháy thì lập tức rời khỏi hiện trường và gọi cảnh sát phòng cháy chữa cháy (số 114).
Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ cháy nổ bình gas khiến nhiều người hoang mang, lo sợ. Một số gia đình vì quá lo lắng đã chuyển sang dùng bếp điện hoặc bếp từ. Chỉ cần nắm được nguyên lý hoạt động của bếp gas, thường xuyên kiểm tra bếp và biết cách xử trí nếu có hiện tượng rò rỉ khí gas xảy ra trong nhà thì việc sử dụng bếp gas vẫn rất an toàn, gas vẫn là loại nhiên liệu tương đối sạch, chi phí phải chăng, thích hợp với nhiều gia đình ở nước ta. Các vụ nổ bình gas thường gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản, vì vậy mỗi người cần nêu cao ý thức cảnh giác, cẩn thận trong quá trình sử dụng để tránh gặp phải các tai nạn đáng tiếc.