top

Danh mục sản phẩm

Tái nhiễm Covid – 19 là gì? Tái nhiễm Covid – 19 có nguy hiểm không? Tại sao đã tiêm vắc xin vẫn bị mắc Covid – 19?

01/04/2022 16:54
Tái nhiễm Covid – 19 là gì? Tái nhiễm Covid – 19 có nguy hiểm không?
Tại sao đã tiêm vắc xin vẫn bị mắc Covid – 19?
Nhiều người sau khi mắc Covid – 19 chủ quan cho rằng sau khi khỏi bệnh, trong người đã có kháng thể cực mạnh với virus cộng với việc đã tiêm phòng vắc xin đầy đủ nên nghĩ rằng mình không thể tái nhiễm bệnh trong thời gian từ 3 – 6 tháng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường hợp sau khi khỏi Covid – 19 một thời gian ngắn lại tiếp tục bị tái nhiễm lần 2, thậm chí có người lần 3.
hien-tuong-tai-nhiem-covid-19-sau-khi-khoi-benh
Hiện tượng tái nhiễm Covid - 19 sau khi khỏi bệnh
Người bị tái nhiễm Covid – 19, ở những lần mắc sau thường nhiễm khác chủng virus so với lần nhiễm trước đó. Tuy nhiên, thực tế đã ghi nhận một số trường hợp lần sau vẫn nhiễm cùng biến chủng với lần trước (chủng BA.1BA.2 của biến thể Omicron).
Tái nhiễm Covid – 19 là gì?
Tái nhiễm Covid – 19 là tình trạng một người sau khi bị nhiễm Virus Sars – CoV – 2 đã khỏi bệnh, sau đó lại bị nhiễm bệnh lại (dương tính với virus).
Ở nước ta, chưa có số liệu về các ca tái nhiễm Covid – 19. Thống kê tại Anh cho thấy, nước này có hơn 14.5 triệu ca bệnh (nhiễm lần đầu) và hơn 620 nghìn ca tái nhiễm (tức cứ 24 người mắc Covid – 19 lần đầu thì có một ca tái nhiễm). Tỷ lệ này cao hơn khi có sự xuất hiện của biến thể Omicron.
Tại sao khỏi bệnh Covid – 19 vẫn bị tái nhiễm?
Không giống với những căn bệnh khác khi khỏi bệnh thì người bệnh có miễn dịch bền vững với virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Đối với Covid – 19, sau khi khỏi bệnh vẫn có một tỷ lệ người tái nhiễm. Lý giải về vấn đề này, theo Tiến sĩ Phạm Quang Thái – Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Trung Ương: sau khi virus Sars – CoV – 2 xâm nhập và tấn công vào cơ thể người ở lần đầu tiên, lượng kháng thể được sinh ra không nhiều khiến khả năng miễn dịch của cơ thể không cao. Điều này khiến cho người bệnh có nguy cơ bị tái nhiễm, đặc biệt là đối với các chủng virus khác với chủng đã bị nhiễm từ lần trước đó.
tai-sao-lai-bi-tai-nhiem-covid-19
Nhiều trường hợp tái nhiễm Covid - 19 sau khi khỏi bệnh
Một yếu tố khác khiến cho tình trạng tái nhiễm phổ biến hơn là do virus Sars – CoV – 2 gây bệnh Covid – 19 chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi – họng. Niêm mạc ở những cơ quan này thường có sức đề kháng ngắn hơn so với sức đề kháng toàn cơ thể.
Khả năng đáp ứng miễn dịch của mỗi người là khác nhau. Có những người sau khi tiêm vắc xin hoặc sau khi khỏi bệnh có miễn dịch bảo vệ khá lâu (lượng kháng thể trong máu cao và kéo dài), nhưng cũng có những người nồng độ kháng thể trong máu sụt giảm nhanh dẫn đến nguy cơ tái nhiễm nhanh hơn so với những người khác.
Mặt khác, các chủng virus khác nhau thì có đặc tính kháng nguyên khác nhau nên các kháng thể được tạo ra từ lần nhiễm bệnh trước đó có thể có hiệu quả bảo vệ thấp với các chủng sau nên dẫn tới hiện tượng tái nhiễm bệnh.
Hiện tượng tái nhiễm thường dễ xảy ra ở các biến chủng sau so với các biến chủng trước do sự xuất hiện của các đột biến mới có khả năng né tránh hệ miễn dịch khiến cơ thể khó nhận biết các chủng này hơn.
Các thống kê cho thấy, tỉ lệ tái nhiễm ở biến thể Delta vào khoảng 1%, ở biến chủng Omicron thì tỉ lệ này cao hơn. Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng Gia London người mắc biến thể Omicron có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 4.38 – 6.63 lần biến thể delta. Đối với các biến thể trước đây (alpha và delta), tỷ lệ chống tái nhiễm trong vòng 6 tháng đầu ở những người từng mắc Covid – 19 lên đến 85%. Tuy nhiên, từ khi có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì tỷ lệ này giảm xuống đáng kể (chỉ còn từ 0 đến 27%). Theo lý giải của Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) nguyên nhân gây ra hiện tượng tái nhiễm Covid – 19 chủ yếu là do khả năng né tránh hệ miễn dịch của biến thể Omicron.
Ai có nguy cơ cao bị tái nhiễm Covid – 19?
Những người mắc các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch (ung thư, HIV/AIDS, viêm gan virus …) hoặc khả năng tạo ra các kháng thể trung hòa thấp thì có nguy cơ tái nhiễm Covid – 19 cao hơn so với những người khác.
Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng có nguy cơ tái nhiễm Covid – 19 cao hơn so với những người khác như: người già (trên 65 tuổi), người thường xuyên phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (bệnh nhân ghép tạng …), người có các bệnh lý nền (đặc biệt là cao huyết áp và tiểu đường).
nhung-nguoi-co-nguy-co-cao-mac-covid-19
Đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid - 19 và tái nhiễm
Những người có tình trạng phơi nhiễm thường xuyên hơn với Covid – 19 (bác sĩ, y tá, nhân viên làm việc trong môi trường hay phải tiếp xúc với nhiều người) cũng có khả năng tái nhiễm cao hơn so với những người sử dụng các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân đầy đủ, hiệu quả.
Tái nhiễm Covid – 19 có nguy hiểm không?
Thông thường, những người bị tái nhiễm Covid – 19 thường có các triệu chứng nhẹ hơn so với các lần nhiễm trước đó. Các trường hợp tái nhiễm cũng thường có diễn tiến lâm sàng nhẹ hơn so với những người chưa được tiêm phòng vắc xin mà mắc bệnh lần đầu. Tuy vậy, vẫn có một số trường hợp diễn biến nặng, vì thế người bệnh tuyệt đối không được chủ quan. Hội chứng hậu Covid – 19 vẫn có thể xảy ra sau mỗi lần tái nhiễm bệnh.
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có triệu chứng khi tái nhiễm ở các biến thể khác nhau là không giống nhau. Bị tái nhiễm biến thể alpha chỉ gây ra triệu chứng cho khoảng 20% người bệnh, con số này ở biến chủng Delta là 44% và cao nhất ở Omicron với 46%.
Người bị tái nhiễm Covid – 19 có khả năng lây bệnh cho người khác hay không?
Mỗi lần tái nhiễm Covid – 19 được coi là một lần mắc bệnh. Người bệnh mang virus trong người, chúng vẫn có khả năng sinh sản và phát tán ra ngoài môi trường qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Vì vậy, khi phát hiện mình là F0, bệnh nhân cần tự chủ động cách ly và có các biện pháp bảo vệ, phòng lây nhiễm cho người thân trong gia đình và xã hội.
Tái nhiễm Covid – 19 có được sử dụng thuốc Molnupiravir không?
Molnupiravirthuốc điều trị Covid – 19 phổ biến nhất hiện nay, thuốc có tác dụng ức chế và ngăn chặn sự tái tạo và nhân lên của virus Sars – CoV – 2 trong cơ thể. Đây là loại thuốc đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp trong điều trị các ca bệnh Covid – 19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người lớn. 
tai-nhiem-covid-19-co-duoc-su-dung-thuoc-molnupiravir-khong
Sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị tái nhiễm Covid - 19
Bộ Y Tế cảnh báo không phải tất cả các trường hợp mắc Covid – 19 đều phải sử dụng Molnupiravir. Do thuốc có nhiều tác dụng phụ nên việc sử dụng loại thuốc này phải do bác sĩ chuyên môn chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng khi chưa được kê đơn thuốc, không sử dụng Molnupiravir để phòng ngừa bệnh. Bộ Y Tế cũng quy định chỉ được phép uống Molnupiravir trong 5 ngày liên tiếp với liều 800mg/lần, ngày 2 lần (mỗi lần cách nhau 12 giờ).
Khi bị tái nhiễm Covid – 19, có nên sử dụng thuốc Molnupiravir hay không?
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng – Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh, việc sử dụng Molnupiravir ở các lần tái nhiễm cách xa nhau không gây tác động xấu đến cơ thể. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng thuốc đủ 5 ngày liên tiếp, sau đó ngừng thuốc vì lúc này phần lớn virus Sars – CoV – 2 đã bị tiêu diệt và cơ thể cũng tạo được các kháng thể để chống lại virus còn sót lại trong người.
Dùng thuốc Molnupiravir đủ liều (5 ngày), khi xét nghiệm vẫn dương tính thì phải làm sao?
Trên thực tế, có nhiều trường hợp đã sử dụng thuốc Molnupiravir đủ thời gian 5 ngày nhưng khi bệnh nhân xét nghiệm, vẫn cho kết quả dương tính. Trong trường hợp này, người bệnh không nên quá lo lắng vì sau khi uống, thuốc đã có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus. Đa số các trường hợp dương tính là do xác của virus chưa được đào thải hết ra khỏi cơ thể, khi được nuôi cấy chúng không sống lại được nên không còn khả năng gây bệnh. Mặt khác, hệ miễn dịch cũng sinh ra các kháng thể tự nhiên chống lại virus. Bệnh nhân tuyệt đối không được dùng thêm thuốc molnupiravir sau khi đã uống đủ 5 ngày hoặc tìm kiếm các loại thuốc kháng virus khác thay thế.
thuoc-molnupiravir-dieu-tri-covid-19
Các loại thuốc Molnupiravir điều trị Covid - 19
Nếu được chỉ định dùng Molnupiravir, chúng ta nên sử dụng sớm (ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus). Thuốc có thể được uống trước hoặc sau khi ăn. Tuyệt đối không sử dụng thuốc cho phụ nữ có thaitrẻ em dưới 18 tuổi.
Tại sao tiêm vắc xin rồi vẫn bị mắc bệnh Covid – 19?
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng – Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh: Vắc xin phòng Covid – 19 có hiệu lực đối với tất cả các biến chủng của virus Sars – CoV – 2 (kể cả biến thể mới nhất Omicron). Tuy nhiên, hiệu quả của vắc xin đối với các chủng không giống nhau.
Với biến chủng Omicron, do biến thể này có chứa nhiều đột biến trong gai protein (bộ phận giúp virus xâm nhập vào cơ thể) nên chúng có thể “né” được hệ miễn dịch, xâm nhập vào tế bào nhanh hơn, trốn được vắc xin (tức là đã tiêm vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm bệnh). Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới đều khẳng định rằng: vắc xin vẫn có hiệu quả đối với biến chủng này. Việc tiêm phòng vắc xin có tác dụng phòng bệnh và hạn chế các ca bệnh chuyển nặng và tử vong. Trong trường hợp này. Mặc dù vắc xin không phòng được bệnh nhưng làm giảm các triệu chứng của bệnh, hạn chế các ca bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.
tai-sao-tiem-vac-xin-roi-van-bi-covid-19
Tiêm vắc xin đủ liều vẫn có khả năng bị nhiễm Covid - 19
Sau khi tiêm vắc xin, kháng thể được sinh ra, chúng không nằm ở niêm mạc mũi – họng mà có ở trong máu. Khi virus xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể dễ dàng đi qua đường mũi – họng, nhưng khi đi sâu vào bên trong cơ thể thì chúng bị hệ miễn dịch chống trả quyết liệt (nhất là những người có kháng thể sau khi được tiêm vắc xin), nên ít làm bệnh chuyển nặng. Điều này giải thích tại sao những người đã được tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc sau khi khỏi bệnh nếu bị tái nhiễm thì triệu chứng thường rất nhẹ, ít trường hợp diễn tiến nặng hoặc tử vong.
Những người khỏi Covid – 19 tuyệt đối không được chủ quan, bởi các kháng thể chống lại virus Sars – CoV – 2 mà hệ miễn dịch có được (do tiêm vắc xin hoặc sau khi mắc bệnh) không bền vững, chúng suy giảm dần theo thời gian nên khả năng bảo vệ của cơ thể đối với căn bệnh này cũng kém dần. Sau khi khỏi bệnh, mỗi người cần tìm cách nâng cao sức đề kháng cho cơ thể bằng cách ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tích cực tập luyện thể dục thể thao. Đặc biệt cần tuân thủ nguyên tắc 5K mà ngành y tế khuyến cáo, những người chưa được tiêm phòng đầy đủ cần tiêm các mũi bổ sung (mũi 3, mũi 4) để tăng cường hệ miễn dịch. Mọi người cần chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện các biến chứng hậu Covid – 19 (nếu có) và xử trí kịp thời.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7