top

Danh mục sản phẩm

Những điều quan trọng cần lưu ý khi khám sức khỏe định kỳ

16/05/2019 14:22
NHỮNG ĐIỀU QUAN TRỌNG CẦN LƯU Ý
KHI KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ
Hiện nay “khám sức khỏe định kỳ” đã trở thành việc làm quen thuộc đối với mỗi người dân khi mà điều kiện sống được nâng cao cũng như ý thức bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của mỗi người được nâng lên. Tuy vậy, rất nhiều người trong chúng ta không biết kiểm tra sức khỏe định kỳ ở đâu? Khám như thế nào? Khám những bộ phận gì? Cần làm các xét nghiệm gì? Khám như thế đã đủ chưa?
khám sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Để giúp mọi người hiểu hơn về quá trình khám sức khỏe. Nhà thuốc Tâm Đức xin lưu ý các bạn những vấn đề sau:
Điều thứ nhất: 
Kiểm tra sức khỏe định kỳ ở đâu?
Điều đầu tiên và quan trọng nhất khi đi khám sức khỏe định kỳ là việc tìm một cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc khám chữa bệnh, và điều quan trọng không kém là tìm được bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt để được khám sàng lọc trước những vấn đề về sức khỏe của bạn, sau đó bác sĩ sẽ có những chỉ định tiếp theo nhằm khám chuyên sâu những cơ quan, bộ phận của cơ thể mà bác sĩ nghi ngờ “có vấn đề”. Ví dụ: người hay bị đau đầu thì nên có yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não – mạch máu não, làm điện não đồ, siêu âm hệ mạch máu trong và ngoài sọ não, khám xoang và các vùng hầu, họng, sau đó mới nghĩ đến việc làm các xét nghiệm và thăm dò chức năng khác.
Việc đánh giá tình trạng sức khỏe và tư vấn thực hiện các xét nghiệm, thăm dò chức năng sẽ do bác sĩ thăm khám và trực tiếp chỉ định. Vì vậy, việc lựa chọn bác sĩ và cơ sở y tế ban đầu là vô cùng quan trọng. Một bác sĩ có tay nghề cao sẽ tư vấn và chỉ định cho người bệnh làm các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết, liên quan trực tiếp đến vấn đề của bệnh nhân đang gặp phải, tránh được việc phải làm các xét nghiệm không cần thiết gây mất thời gian cũng như lãng phí tiền bạc và công sức của người bệnh. Đồng thời, tránh bỏ sót các tổn thương bệnh lý bên trong cơ thể.
Điều thứ hai: 
Nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ bao lâu một lần? (Tần suất khám sức khỏe định kỳ).
Chúng ta nên có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần hoặc 2 lần tùy theo độ tuổi (tuổi càng cao, tần suất khám sức khỏe định kỳ càng nhiều) dù cơ thể hoàn toàn bình thường, không có triệu chứng đặc biệt trên lâm sàng. Việc này cũng rất quan trọng nhằm phát hiện sớm những vấn đề về sức khỏe để có các biện pháp kịp thời. Vì có những bệnh diễn biến âm thầm, không biểu hiện một cách rõ nét, hoặc các triệu chứng rất mơ hồ: viêm gan virus, ung thư …
Điều thứ ba
Khi đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, cần làm những xét nghiệm gì?
Theo Bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Việt Đức: Trong Y học, các thăm dò cận lâm sàng được chia thành 3 nhóm:
Nhóm I: Nhóm các xét nghiệm
- Xét nghiệm về máu: công thức máu, nhóm máu, sinh hóa máu, đông máu. Xét nghiệm miễn dịch, tủy huyết đồ, xét nghiệm các yếu tố liên quan đến các loại ký sinh trùng, nấm, khối u. Định lượng kháng nguyên, kháng thể.
xét nghieemk máu để làm gì
Mục đích của xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu: u rê, protein, creatinin. Xét nghiệm các loại dịch của cơ thể.
Nhóm II: Nhóm thăm dò, chẩn đoán hình ảnh bao gồm:
- Chụp X – quang
- Chụp cắt lớp vi tính
- Chụp cộng hưởng từ
- Siêu âm
Nhóm III: Các thăm dò hình ảnh và chức năng bao gồm:
- Nội soi dạ dày – đại tràng
- Nội soi khí – phế quản
- Điện tâm đồ, điện não đồ
- Đo độ loãng xương
- Điện chẩn thần kinh cơ
- Đo chức năng hô hấp
- Chụp mạch máu can thiệp
- Đo chức năng bàng quang
Ngoài các thăm dò chức năng nêu trên, hiện nay một số bệnh viện lớn ở nước ta đã trang bị máy chụp PET – CT. Đây là một thiết bị y tế hiện đại có khả năng chẩn đoán hình ảnh, thăm dò phát hiện tốt các tổn thương trong cơ thể từ rất sớm. Tuy nhiên, giá thành cho mỗi lần thực hiện rất đắt nên ít được chỉ định.
Có rất nhiều máy móc, phương tiện hỗ trợ cho bác sĩ nhằm phát hiện ra bệnh cho chúng ta. Tuy nhiên, bác sĩ không thể chỉ định cho bệnh nhân thực hiện tất cả các xét nghiệm và các thăm dò chức năng khi chưa thực sự cần thiết. Một bác sĩ giỏi, sau khi thăm khám cẩn thận người bệnh sẽ biết lựa chọn một cách thông minh những xét nghiệm và thăm giò “giá trị” đối với mỗi trường hợp cụ thể để tìm ra bệnh một cách chính xác, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho bệnh nhân đồng thời tránh để sót các thương tổn trong cơ thể.
Có nên làm hết các xét nghiệm khi kiểm tra sức khỏe định kỳ?
Việc có nên làm hết các xét nghiệm hay không sẽ do bác sĩ thăm khám trực tiếp chỉ định. Chúng ta không nên yêu cầu điều này vì 2 lý do sau:
- Thứ nhất: Việc làm tất cả các xét nghiệm sẽ khiến bạn tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ, gây lãng phí, mất thời gian.
- Thứ hai: Mặc dù tốn kém khi làm các xét nghiệm, nhưng bạn vẫn có thể để sót những vấn đề sức khỏe của mình: những thăm dò chức năng cần thiết thì không thực hiện, những xét nghiệm chưa cần thiết lại làm. Từ đó bạn nghĩ rằng cơ thể mình đang khỏe mạnh, mặc dù thực sự mình đang gặp vấn đề về sức khỏe. Sự ảo tưởng này rất nguy hiểm, khiến bạn chủ quan về sức khỏe của mình.
CÁC XÉT NGHIỆM, THĂM DÒ TỐI THIỂU CẦN THỰC HIỆN KHI KIỂM TRA SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ 
1. Siêu âm: bao gồm
- Siêu âm ổ bụng tổng quát
Siêu âm ổ bụng tổng quát giúp đánh giá tương đối về tình trạng của các bộ phận trong ổ bụng và tiết niệu như: gan, lá lách, thận, tụy, tuyến tiền liệt …
- Siêu âm tuyến tiền liệt (đối với nam giới)
- Siêu ấm tuyến vú (đối với nữ giới)
- Siêu âm tuyến giáp
siêu âm
Siêu âm ổ bụng
Ưu điểm của siêu âm: thực hiện đơn giản, nhanh chóng, không độc hại, ít tốn kém, không xâm lấn cơ thể, phát hiện được nhiều tồn thương trong cơ thể.
Những lưu ý khi siêu âm:
- Nên siêu âm ở những bác sĩ có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm về siêu âm vì kết quả siêu âm thường mang tính chủ quan của người thực hiện siêu âm đó.
- Nên có thói quen đi siêu âm ít nhất 6 tháng một lần.
- Riêng đối với các bạn nữ: nên siêu âm cả tuyến vú và tuyến giáp vì có nhiều bạn trẻ bị u tuyến vú và tuyến giáp nhưng chưa biểu hiện triệu chứng bên ngoài.
2. Chụp X – quang phổi (thẳng và nghiêng)
Đây cũng là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh kinh điển có nhiều ưu điểm như: không xâm lấn cơ thể, nhanh chóng, thuận tiện, không tốn kém. Chụp X – quang phổi giúp phát hiện hoặc gợi ý cho bác sĩ phát  hiện một số bệnh lý như: hen phế quản, viêm phổi, lao phổi, u phổi, kén khí bẩm sinh ở phổi, cao huyết áp và một số bệnh về xương khớp: bệnh lý về xương đòn, xương ức, cột sống ngực.
Những lưu ý khi chụp X – quang
- Phụ nữ có thai không được chụp X – quang (vì có thể gây tổn hại cho thai nhi).
- Những người hút thuốc cần được chụp X – quang định kỳ (6 tháng một lần) vì nguy cơ mắc các bệnh ở đường hô hấp cao hơn những đối tượng khác.
- Các bạn trẻ tuổi (dưới 25 tuổi) không nên chụp X – quang khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
3. Nội soi dạ dày, đại tràng.
Việc nội soi dạ dày và đại tràng là cần thiết đối với người trưởng thành nhằm kiểm tra đường tiêu hóa. Việc này nên thực hiện ít nhất mỗi năm một lần, riêng với người có tiền sử bệnh lý về dạ dày – đạ tràng, người trung niên và cao tuổi (ngoài 40 tuổi) thì cần nội soi đường tiêu hóa với tần suất dày hơn (6 tháng một lần) hoặc theo sự chỉ địnhcủa bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
nội soi dạ dày, đại tràng
Nội soi dạ dày - đại tràng
Hiện nay, kỹ thuật nội soi dạ dày, đại tràng đã được thực hiện ở các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện, khu vực. Tuy nhiên, nếu nội soi dạ dày – đại tràng kèm theo thực hiện một số thủ thuật như: sinh thiết, cắt polyp … cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì kỹ thuật này, nếu thực hiện không tốt có nguy cơ xảy ra: chảy máu sau sinh thiết, sinh thiết không đúng vị trí, sót các tổn thương trên đường tiêu hóa, thủng đường tiêu hóa.
Một số bệnh viện tuyến Trung Ương: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Bệnh Viện Trung Ương Huế, Bệnh Viện Chợ Rẫy có dịch vụ nội soi đường tiêu hóa gây mê hỗ trợ. Kỹ thuật này chỉ nên thực hiện cho người trẻ tuổi (dưới 75 tuổi) có sức khỏe (thể lực) tốt và không có tiền sử bệnh lý ở hệ hô hấp và dị ứng.
4. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu bao gồm nhiều xét nghiệm nhỏ. Nếu xét nghiệm máu lần đầu, bạn nên làm tất cả các xét nghiệm máu bao gồm:
Xét nghiệm nhóm máu
Xét nghiệm nhóm máu để biết mình thuộc nhóm máu nào. Xét nghiệm này chỉ cần thực hiện một lần trong đời và phải ghi nhớ tên nhóm máu của mình, báo cho người thân biết, phòng trường hợp cấp cứu cần phải truyền máu.
Xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu nhằm mục đích đánh giá các cơ quan nội tạng trong cơ thể: chức năng gan, thận, đường máu, mỡ máu.
- Chức năng gan: men gan (ALT, GOT), protein, bilirubin
- Chức năng thận: creatinin, u rê, điện giải …
- Tình trạng mỡ máu: Triglycerid, cholesterol
- Tình trạng đường máu:  glucose máu, HbA1c
Xét nghiệm công thức máu: hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu
Xét nghiệm công thức máu để biết xem cơ thể có bị thiếu máu không? Thiếu máu loại nào để có chỉ định kịp thời. 
Ngoài ra, xét nghiệm công thức máu còn đánh giá các bệnh về nhiễm trùng (số lượng bạch cầu tăng cao), các bệnh liên quan đến yếu tố đông máu và các bệnh lý khác về máu (đánh giá qua số lượng tiểu cầu)
Xét nghiệm đông máu 
Mục đích của xét nghiệm này là để biết được tình trạng đông máu của cơ thể và đánh giá chức năng gan một cách gián tiếp.
Xét nghiệm miễn dịch
Mục đích của xét nghiệm này là để 
- Phát hiện hoặc loại trừ các bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch: viêm gan do virus (viêm gan A, B, C), virus HIV
- Gợi ý các tổn thương ung thư qua các chất chỉ điểm
+ CEA + CA199 + AFP: ung thư phổi và đường tiêu hóa
+ PSA: ung thư tiền liệt tuyến
+ T3, T4, TSH: tình trạng tuyến giáp.
+ β HCG: ung thư tinh hoàn
- Nồng độ nội tiết tố: testosterone (nam) và Estrogen (nữ)
- Kháng thể lao.
Trong các xét nghiệm về máu thì xét nghiệm về nhóm máu chỉ nên thực hiện một lần, xét nghiệm đông máu không nhất thiết phải thực hiện thường xuyên vì chỉ số đông máu thường ổn định (trừ khi cơ thể có bệnh lý về máu)
Xét nghiệm sinh hóa máu (đường máu, mỡ máu, chức năng gan, thận) và các yếu tố phát hiện ung thư sớm nên kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm 1 lần.
5. Điện tâm đồ
Điện tâm đồ cũng là một thăm dò chức năng đơn giản và nhanh chóng giúp đánh giá một cách tương đối về tình trạng của tim.
CÁC THĂM DÒ CHUYÊN SÂU CHO TỪNG ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ
1. Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm này được chỉ định cho những người có các triệu chứng: phù, đi tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu rát … hoặc những người có bệnh lý trên đường tiết niệu: viêm cầu thận, suy thận, hội chứng thận hư, nhiễm liên cầu tan huyết.
2. Chụp cộng hưởng từ sọ não, cột sống và khớp
Chụp cộng hưởng từ được áp dụng trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có các tổn thương ở cột sống, các khớp, dây chằng và sụn, mạch máu não, sọ não, gan mật, tuyến vú, phần phụ và tiểu khung, các cơ, mô mềm.
chụp cộng hưởng từ
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ có rất nhiều điểm ưu việt: cho hình ảnh chi tiết, sắc nét với độ chính xác cao, thăm dò được nhiều bộ phận trong cơ thể, không độc hại cho người bệnh. Có thể nói sự ra đời của công nghệ chụp cộng hưởng từ là cuộc cách mạng trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
3. Chụp cắt lớp vi tính hệ mạch vành tim và chụp mạch can thiệp
Đây là một thăm dò chức năng chuyên sâu, do bác sĩ chuyên khoa chỉ định nhằm xác định những tổn thương của hệ mạch vành. Kỹ thuật này thường được chỉ định cho những người có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch: người già (trên 50 tuổi), người bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì, nghiện rượu, thuốc lá. Những người có triệu chứng khó thở, đau tức ngực hoặc những dấu hiệu gợi ý sau khi làm điện tâm đồ.
Dựa vào kết quả chụp mạch vành, bác sĩ có thể đánh giá chính xác tình trạng của hệ mạch vành (mạch máu nuôi tim) của người bệnh, phát hiện các vị trí bị hẹp nhánh mạch vành hoặc các tổn thương khác kèm theo (nếu có). Khi có dấu hiệu tổn thương và hẹp nhánh mạch vành, bác sĩ sẽ chỉ định thêm chụp mạch máu can thiệp và xác định vị trí đặt Stent mạch vành (ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại) nhằm tái lưu thông mạch vành ở những vị trí mạch vành bị hẹp nặng.
4. Chụp cắt lớp vi tính phổi, ổ bụng
Kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp sau khi bệnh nhân siêu âm ổ bụng hoặc chụp X – quang phổi, bác sĩ thấy có tổn thương trên phim, nghi ngờ ở phổi hoặc trong ổ bụng có khối bất thường. Việc này là bắt buộc (có thể thêm chỉ định chụp cộng hưởng từ) để đánh giá chính xác về khối u: có hay không có, tính chất (u lành hay u ác tính), kích thước, vị trí, mức độ xâm lấn và di căn của khối u đó.
5. Khám và chụp phim tuyến vú
Đối với các bạn nữ: nếu khi sờ vào vú thấy có khối bất thường kèm theo các triệu chứng khác: núm vú sưng to, chảy dịch bất thường thì nên đi khám ngay ở các phòng khám, bệnh viện sản phụ khoa. Chụp cộng hưởng từ tuyến vú, nếu trong trường hợp có khối u nghi ngờ thì phải tiến hành sinh thiết.
6. Siêu âm tim
Siêu âm tim được áp dụng đối với những người có triệu chứng: đau tức ngực, hồi hộp, khó thở, đánh trống ngực, chân tay bị phù hoặc sau khi điện tâm đồ bác sĩ thấy kết quả gợi ý bệnh lý. 
Với người cao tuổi (trên 50 tuổi): nên tiến hành siêu âm tim ít nhất mỗi năm 1 lần để bác sĩ đánh giá lại tình trạng tim của mình.
7. Đo mật độ xương
Kỹ thuật đo mật độ xương nhằm xác định tình trạng loãng xương của bệnh nhân. Loãng xương thường xảy ra sau năm 30 tuổi, vì vậy những người trong độ tuổi này nên được đo mật độ xương mỗi năm 1 lần, nhất là các bạn nữ - những người có nguy cơ bị loãng xương cao hơn nam giới.
Phương pháp tiên tiến nhất hiện nay là đo hấp thụ tia năng lượng, tia X kép (Dual Energy Xray Absorptiometry – DEXA). Phương pháp này giúp đánh giá chính xác mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương.
Ngoài ra, một số cơ sở y tế còn có phương pháp đo loãng xương bằng máy siêu âm qua xương gót chân. Tuy nhiên, kết quả đo thường không chính xác, không đáng tin cậy.
8. Chụp xạ hình xương
Chụp xạ hình xương giúp phát hiện các tổn thương trong xương do ung thư di căn cũng như các bệnh lý khác về xương: viêm xương tủy, gãy rạn nhỏ xương sau tai nạn.
Đây là thăm dò do bác sĩ chuyên khoa chỉ định khi nghi ngờ ung thư khác di căn vào xương.
9. Điện não đồ, siêu âm Doppler ngoài sọ và xuyên sọ
Kỹ thuật này được chỉ định cho những người bị đau đầu thường xuyên, suy giảm trí nhớ, lo âu mất ngủ, tê bì chân tay, yếu nửa người, động kinh hoặc tiền sử động kinh, co giật.
Điện não đồ, siêu âm Doppler ngoài sọ và xuyên sọ thường được phối hợp với chụp cộng hưởng từ sọ não – mạch máu não để giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh.
10. Chụp PET – CT
Đây là một kỹ thuật rất hiện đại giúp phát hiện sớm các tổn thương trong cơ thể  dù chúng còn đang rất nhỏ. Bên cạnh đó, chụp PET – CT còn giúp quá trình theo dõi sau điều trị các loại khối u rất tốt.
Nhược điểm của thăm dò hình ảnh và chức năng này là giá thành tương đối cao (25 – 28 triệu mỗi lần chụp).
11. Điện chẩn thần kinh cơ
Phương pháp này giúp đánh giá chức năng của các dây thần kinh, rễ thần kinh ngoại vi, khớp thần kinh cơ và các cơ. Qua đó, đánh giá mức độ tổn thương của các dây thần kinh ngoại vi ở các chi (tay & chân), phát hiện bệnh chèn ép dây thần kinh giữa gây tê bì bàn tay (hội chứng ống cổ tay).
12. Sinh thiết, giải phẫu bệnh
Kỹ thuật sinh thiết được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân có những tổn thương trên đường hô hấp, tiêu hóa hoặc trong bàng quang. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh nhằm chẩn đoán, xác định chính xác tính chất tổn thương. Sinh thiết giải phẫu bệnh được coi là tiêu chuẩn vàng để xác định các loại u. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ thuật này trong một số trường hợp: kích thước khối u quá nhỏ, ở vị trí nguy hiểm, nguy cơ chảy máu sau sinh thiết cao …
Trên đây là những xét nghiệm, thăm dò chức năng cơ bản giúp thầy thuốc chẩn đoán và tìm ra bệnh cho bệnh nhân. 
Việc lựa chọn các xét nghiệm và thăm dò chức năng nên được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, bệnh nhân không nên tự ý yêu cầu để tránh mất tiền, tốn thời gian bởi các xét nghiệm không cần thiết đồng thời bỏ sót các thăm dò quan trọng giúp bác sĩ tìm ra vấn đề về sức khỏe của bạn.
bảo vệ sức khỏe
Giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của bản thân là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất
Điều quan trọng nhất đối với mỗi người là luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của chính mình, có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Tránh xa các chất có hại cho sức khỏe: bia, rượu, thuốc lá, đồ ăn nhanh. Tích cực tập luyện thể dục thể thao, giữ tinh thần lạc quan, yêu đời, biết quý trọng bản thân và yêu thương mọi người xung quanh. Luôn có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đó chính là chìa khóa giúp chúng ta có cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7