top

Danh mục sản phẩm

Những điều cần biết về máu

07/02/2021 08:43
Những điều cần biết về máu
Máu là gì?
Máu là chất thiết yếu cho sự sống của con người, một tổ chức di động trong cơ thể tồn tại dưới dạng chất lỏng. Máu được lưu thông trong hệ tuần hoàn thông qua các động mạch và tĩnh mạch nhờ sức co bóp của tim.
Cơ thể người chứa bao nhiêu lít máu?
Lượng máu của một người phụ thuộc vào các yếu tố: tuổi tác, giới tính và cân nặng. Ở người bình thường, lượng máu tương đối ổn định do cơ chế điều hòa giữa lượng máu sinh ra ở tủy xương và lượng máu mất đi.
Lượng máu thường tỷ lệ thuận với trọng lượng của cơ thể, trung bình mỗi người thường có 70 – 80 ml máu/kg cân nặng.
Ở người trưởng thành, thể tích máu ở nam giới5 – 6 lít, ở nữ giới4,5 – 5,5 lít. Máu thường chiếm 6 – 8% trọng lượng cơ thể.
Lượng máu trong cơ thể còn liên quan đến các hoạt động thể chất và phụ thuộc tình trạng bệnh lý. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi hoặc mất máu thì thể tích máu có thể giảm do máu bị cô đặc lại. Nếu mắc bệnh suy tủy xương thì lượng máu cũng sẽ bị giảm. Nếu cơ thể mất quá 1/3 lượng máu thì các cơ quan sẽ bị rối loạn chức năng hoạt động dẫn đến sốc, thậm chí gây tử vong.
cong-thuc-mau
Sinh lý máu
Máu có vai trò gì?
Máu là tổ chức giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động của cơ thể. Các vai trò cụ thể của máu:
Vận chuyển oxy từ phổi đến cung cấp cho các bộ phận của cơ thể.
Vận chuyển khí carbonic từ các mô về phổi để thải ra khỏi cơ thể.
Vận chuyển các chất dinh dưỡng: đường, đạm, mỡ, nước và các chất điện giải được hấp thu từ ống tiêu hóa, đến cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể.
Bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh: vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng.
Vận chuyển các hormone từ các tuyến nội tiết đến khắp các mô trong cơ thể.
Điều hòa thân nhiệt
Máu vận chuyển nhiệt từ các bộ phận trong cơ thể đến da và hệ hô hấp để thải ra ngoài.
Cấu tạo của máu gồm những thành phần gì?
Cấu tạo của máu gồm hai thành phần chính: thành phần hữu hình (phần tế bào) và thành phần vô hình (phần không tế bào). Thành phần hữu hình là ba loại tế bào: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Thành phần vô hình gọi là huyết tương.
thanh-phan-cua-mau
Cấu tạo của máu
Thành phần không tế bào
Thành phần không tế bào chính là huyết tương – một chất lỏng màu vàng nhạt, chiếm khoảng 55 – 65% thể tích máu toàn phần. Huyết tương giữ vai trò vận chuyển ô xy và các chất dinh dưỡng quan trọng của cơ thể như: đường (glucose), sắt, protein, hormone. Huyết tương chứa chủ yếu là nước (90% thể tích), còn lại là protein, muối vô cơ … Trong huyết tương có chứa globulin gồm nhiều loại kháng thể giúp cơ thể chống lại các nhiễm trùng và chứa các yếu tố đông máu để tránh cho cơ thể bị mất máu do chấn thương, phẫu thuật.
Thành phần tế bào
Thành phần tế bào của máu gồm 3 loại là: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
- Hồng cầu
Hồng cầu (hay còn gọi là tế bào đỏ) là thành phần quan trọng của tế bào máu, chiếm số lượng nhiều nhất (hồng cầu chiếm khoảng 45% thể tích máu toàn phần). Chức năng của hồng cầu là vận chuyển khí oxy từ phổi đi khắp các cơ quan trong cơ thể và vận chuyển khí carbonic từ các mô về phổi để thải ra ngoài.
hong-cau
Tế bào hồng cầu
Hồng cầu còn có vai trò vận chuyển các chất dinh dưỡng (đường, các loại a xít amin và a xít béo) từ ruột non đến các tế bào và tổ chức trong cơ thể. Sau đó, chúng sẽ vận chuyển cặn bã của quá trình chuyển hóa đến các cơ quan bài tiết để thải ra ngoài.
Hồng cầu được sản xuất ở tủy xương, vòng đời trung bình của hồng cầu khoảng 120 ngày, các hồng cầu già bị chết đi sẽ được tiêu hủy ở lách và gan. Tủy xương sẽ sản xinh ra hồng cầu mới để thay thế cho lượng đã mất đi.
Khi cơ thể đủ lượng máu (hồng cầu) cần thiết thì da và niêm mạc sẽ có màu hồng đặc trưng. Ngược lại trong trường hợp thiếu máu (thiếu hồng cầu) da và niêm mạc sẽ có hiện tượng nhợt nhạt, đau đầu, chóng mặt, người uể oải, mệt mỏi, làm việc kém tập trung.
- Bạch cầu
Bạch cầu chiếm khoảng 1% thể tích máu. Bạch cầu cũng là thành phần quan trọng của tế bào máu, bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng do các tác nhân bên ngoài: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Bạch cầu được phân thành hai loại: bạch cầu hạt và bạch cầu không hạt. Bạch cầu hạt gồm: bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa a xít (acid), bạch cầu ưa ba zơ (base). Bạch cầu không hạt gồm bạch cầu mono và bạch cầu lympho.
bach-cau-la-gi
Các loại bạch cầu
Các loại bạch cầu có vòng đời khác nhau: từ một tuần cho đến vài tháng. Chức năng của bạch cầu là bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện và tiêu diệt các “nhân tố gây bệnh”. Cũng giống như hồng cầu, bạch cầu do tủy xương sản sinh ra, bạch cầu tồn tại chủ yếu trong máu, tuy nhiên chúng còn tồn tại trong các mô với số lượng khá lớn với nhiệm vụ bảo vệ cơ thể.
Bạch cầu bảo vệ cơ thể theo nhiều cách khác nhau. 
+ Loại tiết ra các kháng thể trong máu
+ Loại làm nhiệm vụ “thực bào” tức là “ăn” các “nhân tố lạ”
+ Loại làm nhiệm vụ “ghi nhớ” tức là “nhận biết”“ghi nhớ” các “nhân tố lạ” để lần sau nếu các nhân tố này xâp nhập sẽ bị cơ thể phát hiện và có một lượng lớn bạch cầu được điều động đến để tiêu diệt chúng.
- Tiểu cầu
Là các tế bào máu có kích thước nhỏ nhất, tiểu cầu giữ vai trò quan trọng trong nhiều quá trình: đông máu, đông máu, tạo cục máu đông, co cục máu đông, co mạch, xơ vữa mạch máu, viêm, miễn dịch, trong đó “quan trọng nhất” là chức năng “cầm máu”. Khi cơ thể bị chảy máu, tiểu cầu sẽ làm dừng quá trình này. Chúng cầm máu bằng cách tạo ra các cục máu đông để bít các vết thương ở thành mạch máu. Ngoài tác dụng cầm máu, tiểu cầu còn có tác dụng làm bền vững thành mạch máu, chúng giúp cho thành mạch dẻo dai và mềm mại hơn. Tiểu cầu thường có vòng đời rất ngắn (từ 7 – 10 ngày).
tieu-cau
Tế bào tiểu cầu
Khi cơ thể bị thiếu tiểu cầu thì sẽ dễ bị chảy máu: chảy máu cam, bị đứt tay chảy máu lâu dứt, trên da xuất hiện các vết bầm tím, đi cầu phân đen hoặc đi tiểu ra máu.
Máu giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng sống của cơ thể. Xét nghiệm máu sẽ giúp phát hiện một số bệnh lý cơ bản: bệnh tiểu đường, thiếu máu, mỡ máu, men gan cao, tăng acid uric, giảm chức năng gan thận và một số bệnh lý phức tạp như: suy giảm miễn dịch, nhiễm trùng huyết, ung thư máu, viêm gan, giảm tiểu cầu. Việc xét nghiệm máu thường xuyên là điều hết sức cần thiết đối với mỗi người nhằm phát hiện sớm các bất thường của cơ thể. Các xét nghiệm về máu bao gồm: Xét nghiệm công thức máu (tổng phân tích tế bào máu), xét nghiệm đường máu (glucose), xét nghiệm các loại men gan (AST, ALT, GGT), xét nghiệm mỡ máu (cholesterol, HDL – cholesterol, LDL – cholesterol, Triglyceride), xét nghiệm chức năng thận (Creatinin, Ure). 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7