top

Danh mục sản phẩm

Các di chứng sau khi bị Covid - 19. Khi nào cần đi khám hậu Covid?

22/03/2022 20:43
Di chứng hậu Covid – 19 là gì? Các di chứng hậu Covid – 19 thường gặp.
F0 sau khi khỏi bệnh Covid bao lâu thì cần đi khám hậu Covid?
Di chứng hậu Covid – 19 là gì?
Di chứng (hội chứng) hậu Covid – 19 là tình trạng xảy ra ở những người đã từng bị Covid – 19, đã khỏi bệnh một thời gian nhưng vẫn gặp một số triệu chứng nhất định không thể giải thích bằng các chẩn đoán thông thường. Trong đó phổ biến nhất là các triệu chứng: mệt mỏi kéo dài, khó thở, mất ngủ, rối loạn chức năng nhận thức …
Cho đến nay, các tổ chức quốc tế vẫn chưa có tên gọi thống nhất về hội chứng hậu Covid – 19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi hiện tượng này là Long Covid, Post – Covid conditions. Trong khi đó Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thì gọi tình trạng này là di chứng sau khi nhiễm virus Sars – CoV – 2 cấp tính (PASC). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác như: long – term covid, post – covid syndrome, long – haul covid.
di-chung-hau-covid-19
Hội chứng hậu Covid - 19
Di chứng hậu Covid – 19 thường xuất hiện khi nào và kéo dài bao lâu?
Theo WHO thời điểm xác định bệnh nhân bị hậu Covid – 19 thường là sau 3 tháng kể từ thời điểm nhiễm bệnh. Các triệu chứng hậu Covid kéo dài trong ít nhất 2 tháng.
Theo CDC Hoa Kỳ di chứng hậu Covid – 19 xuất hiện sau 4 tuần kể từ lúc bị nhiễm virus Sars – CoV – 2
WHO xác định trong số những bệnh nhân gặp hội chứng hậu Covid – 19 thì có khoảng 10 – 15% bệnh nhân có các triệu chứng diễn biến thành bệnh nặng5% trường hợp chuyển thành nghiêm trọng phải nhập viện cấp cứu hoặc điều trị.
Một nghiên cứu khác theo dõi người bệnh sau khi mắc Covid – 19 cho thấy: có khoảng 33% - 76% bệnh nhân gặp di chứng hậu Covid với thời gian ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh. 20% số trường hợp phải tái nhập viện và 80% người bệnh cần theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế.
Bệnh nhân sau khi khỏi bệnh thường gặp những di chứng hậu Covid gì?
Theo Tiến sĩ Janet Diaz – Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng của WHO: sau khi phân tích hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân từng mắc Covid – 19, các chuyên gia ghi nhận hơn 200 triệu chứng khác nhau. 
Các di chứng hậu Covid – 19 phổ biến
Mệt mỏi, hay chóng mặt
Khó thở, thở hay hụt hơi
Ho dai dẳng
Sốt nhẹ
Rối loạn nhận thức: khó suy nghĩ hay khó tập trung
Tim đập nhanh (cảm giác đánh trống ngực)
Đau đầu
Gặp các vấn đề về giấc ngủ: mất ngủ, rối loạn giấc ngủ
Rối loạn vị giác và khứu giác.
Rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn uống không ngon miệng, đau dạ dày, tiêu chảy
Rối loạn thần kinh: lo âu, trầm cảm, bồn chồn
Thay đổi nội tiết (phụ nữ bị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt)
Đau cơ xương khớp
Rụng tóc
cac-di-chung-hau-covid-19
Các di chứng thường gặp sau khi mắc Covid - 19
1. Mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng điển hình nhất của hậu Covid – 19. Biểu hiện của mệt mỏi là buồn ngủ, cảm giác cơ thể thiếu năng lượng, không có sức sống.
Tại sao khi bị bệnh Covid – 19, cơ thể lại mệt mỏi?
Theo Tiến sĩ Scott McClelland – Đại học Y khoa Seattle (Mỹ): nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi do phản ứng miễn dịch của cơ thể, tức là khi nhiễm virus Sars – CoV – 2, hệ thống miễn dịch phải hoạt động quá mức giải phóng các chất cytokine gây viêm khiến cơ thể bị sốt và chết các mô. Hệ miễn dịch bị “quá tải” dẫn đến cơ thể mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi và hồi phục. Để dễ hình dung, chúng ta tưởng tượng như khi mình hoàn thành một bài tập thể dục quá sức hay như khi tham gia một cuộc thi chạy marathon.
Nếu bị mệt mỏi sau khi khỏi Covid – 19, chúng ta không nên quá lo lắng, đó là tín hiệu cho thấy cơ thể đang phục hồi và được chữa lành. Hãy lưu tâm về điều này và nhớ rằng đó là trạng thái tự nhiên của cơ thể khi tạo ra các phản ứng miễn dịch và chúng yêu cầu bạn cần phải nghỉ ngơi.
Mệt mỏi do bệnh Covid – 19 kéo dài bao lâu?
Dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu Zoe Covid cho thấy, tình trạng mệt mỏi thường xảy ra trong tuần đầu tiên của giai đoạn mắc bệnh và kéo dài từ 5 – 8 ngày. Một số trường hợp bị mệt mỏi trong hai tuần hoặc có thể lâu hơn.
Mức độ mệt mỏi của người mắc Covid – 19 thường tỉ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của bệnh (bệnh càng nặng thì thời gian mệt mỏi càng kéo dài và ngược lại). Với những người bị Covid – 19 nhẹ hoặc trung bình, điều trị tại nhà, tình trạng mệt mỏi có thể hết sau 1 – 2 tuần.
Với những người phải nhập viện điều trị, chăm sóc đặc biệt, có thể mất vài tháng mới hết mệt mỏi, sau thời gian đó người bệnh mới trở lại được trạng thái như trước khi mắc bệnh.
bi-met-moi-sau-khi-khoi-covid-19
Di chứng mệt mỏi hậu Covid - 19
2. Khó thở, thở hụt hơi
Sau khi khỏi Covid – 19, nhiều người vẫn cảm thấy khó thở nhất là khi vận động gắng sức: leo cầu thang, đi bộ … Đây là di chứng phổ biến đối với các F0, nhất là ở những người có tiền sử bệnh lý ở đường hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người cao tuổi, có bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp), người phải thở máy, chạy ECMO.
Sở dĩ, F0 sau khi khỏi bệnh vẫn bị khó thở là do phổi bị tổn thương, virus Sars – CoV – 2 tấn công lá phổi gây ra các biến chứng như: giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi, xơ hóa phổi. 
Trong các biến chứng trên thì xơ phổi là biến chứng điển hình và nặng nhất sau khi khỏi Covid - 19. Xơ phổi là tình trạng các nhu mô phổi bị phá hủy (trong giai đoạn viêm phổi cấp tính) không thể phục hồi về trạng thái ban đầu, các nhu mô này bị xơ hóa tạo thành các mô xơ (nhất là những người bị viêm phổi nặng). Những mô xơ này khiến cho việc trao đổi khí (Oxy và Carbonic) gặp khó khăn dẫn đến tình trạng khó thở (đặc biệt là khi vận động thể lực). Xơ phổi là biến chứng dai dẳng, ảnh hưởng đến khả năng lao động và sinh hoạt của người bệnh.
bi-kho-tho-sau-khi-khoi-covid-19
Di chứng khó thở hậu Covid - 19
3. Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh
Các nghiên cứu khoa học cho thấy những người có bệnh tim mạch, nếu mắc thêm Covid – 19 thì tỷ lệ tử vong của họ sẽ cao hơn gấp 10 lần so với những người không có tiền sử bệnh tim mạch. Cụ thể, theo một báo cáo trên Tạp chí Y khoa Mỹ: qua theo dõi bệnh án của 138 người nhập viện do mắc Covid – 19, các nhà nghiên cứu nhận thấy có tới 17% trường hợp bị rối loạn nhịp tim và hơn 7% số người bị các tổn thương tim cấp tính như: viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, ngừng tim. Điều đặc biệt là trong số những bệnh nhân tim mạch bị tổn thương cơ tim do Covid – 19 thì có đến 70% số người đã tử vong.
Theo các chuyên gia Y tế, sở dĩ người có bệnh tim mạch dễ gặp các biến chứng về tim khi mắc Covid – 19 là do khi cơ thể bị nhiễm virus Sars – CoV – 2, hệ miễn dịch bị ức chế dẫn đến tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Từ đó nồng độ oxy trong máu bị giảm, gây rối loạn nhịp tim. Mặt khác, khi cơ thể xuất hiện virus lạ sẽ kích thích hệ miễn dịch tạo ra các báo động giả đồng thời kích hoạt các hoạt động của hệ thần kinh tự chủ khiến cho huyết áp và nhịp tim tăng.
di-chung-tim-mach-hau-covid-19
Covid - 19 gây ra nhiều biến chứng trên tim mạch
4. Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ
Khi mắc Covid – 19, hoặc sau khi đã khỏi bệnh nhiều người thường gặp các vấn đề về giấc ngủ như: mất ngủ, khó ngủ, ngủ hay tỉnh giấc, thức giấc sớm. Mất ngủ khiến cho người bệnh mệt mỏi, khó tập trung, làm việc uể oải, nguy cơ mất an toàn: té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, giảm năng suất lao động. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, có thể ảnh hưởng xấu đến tim mạch và não bộ.
 Lý giải về vấn nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ Tịch Hội Truyền nhiễm TP HCM cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do stress. Khi bị nhiễm Covid – 19 người bệnh thường căng thẳng, lo lắng, sợ hãi bệnh tật, nỗi lo về sức khỏe sau khi khỏi bệnh, công việc, thu nhập bị giảm sút. Thống kê cho thấy, những bệnh nhân phải nhập viện điều trị, đặc biệt là những người nằm hồi sức cấp cứu (ICU) có nguy cơ bị trầm cảm do cảm giác cô đơn, đối mặt với cái chết, nỗi buồn khi mất đi người thân trong đại dịch …
Để khắc phục tình trạng mất ngủ, các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên suy nghĩ tích cực, giữ tinh thần lạc quan, tránh dùng các chất kích thích: bia, rượu, thuốc lá, cà phê, tập thể dục nhẹ nhàng …. Nếu tình trạng mất ngủ không được cải thiện, cần đến bác sĩ để được thăm khám.
bi-mat-ngu-sau-khi-khoi-covid-19
Nhiều người bị mất ngủ sau khi đã khỏi Covid - 19
5. Ho dai dẳng
Hotriệu chứng phổ biếnnhững người mắc Covid – 19, thông thường triệu chứng ho sẽ hết sau khi khỏi bệnh vài ngày. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ho kéo dài không dứt, liên tục trong vài tuần. Ho có thể xuất hiện khi nói, cười hoặc hít phải luồng không khí lạnh. Cơn ho có thể diễn ra đột ngột, ho sặc sụa chảy nước mắt hoặc ho rải rác từng tiếng kéo dài từ ngày này sang ngày khác.
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, đa số bệnh nhân sau Covid – 19 bị ho khan, ít khi ho có đờm. Những người bị ho nhiều đa số do họ có cơ địa dị ứng, có tiền sử mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc trung khu thần kinh ở dọc đường hô hấp bị kích thích gây ra ho.
Theo TS - BS Minh – Giảng viên Bộ môn Tai – Mũi – Họng, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), sở dĩ người nhiễm Covid bị ho dai dẳng kéo dài là do virus Sars – CoV – 2 xâm nhập vào cơ thể, tấn công hệ hô hấp khiến cho niêm mạc của cơ quan này bị kích thích dẫn đến phản xạ ho trên đường hô hấp (hầu họng, thanh quản, khí – phế quản).
Mặt khác, những người bị Covid – 19 nặng khiến phế quản, phổi bị viêm, xơ phổi dẫn đến phổi bị giảm chức năng hoạt động, giãn nở kém hơn và dễ bị kích thích gây ra các cơn ho. 
Để tránh di chứng ho dai dẳng hậu Covid – 19, các chuyên gia khuyên người dân nên phát hiện bệnh sớm, điều trị các triệu chứng từ ban đầu, kết hợp với việc tập thở, uống đủ nước (ấm) và kiêng các loại đồ ăn, uống tanh – lạnh, nhiều dầu mỡ, các loại gia vị chua cay.
ho-dai-dang-sau-khi-bi-covid-19
Hậu Covid - 19, nhiều người bị ho dai dẳng
6. Rối loạn nhận thức: khó suy nghĩ, khó tập trung
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi mắc Covid – 19. Có đến 80% số trường hợp gặp các vấn đề về nhận thức, một trong số đó là “Hội chứng sương mù não” – một dạng rối loạn chức năng nhận thức với các biểu hiện như: uể oải, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên, nhiều lúc bị lẫn, không sáng suốt, cảm giác không biết điều gì đã xảy ra, rối loạn ý thức: khó nhớ, khó suy nghĩ.
Vì sao người mắc Covid – 19 lại bị hội chứng sương mù não?
Virus Sars – CoV – 2 tấn công nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể, trong đó có hệ thần kinh. Chúng có thể xâm nhập vào não bộ thông qua các thụ thể của men Angiotensin – coverting 2, một loại men cũng có ở các tế bào não khiến cho một số bệnh nhân bị viêm não hoặc hôn mê.
Sau khi mắc Covid – 19, các tế bào não bị tổn thương (tình trạng viêm ở não). Để đáp ứng với tình trạng đó, cơ thể điều chỉnh giảm lưu lượng máu đến các tế bào thần kinh, các tế bào này nhận được ít máu nuôi dưỡng hơn nên dẫn đến những vấn đề về nhận thức và phản xạ.
Quá trình nhiễm Covid – 19, cơ thể giải phóng Cytokine – một loại chất sinh ra từ phản ứng viêm, chất này có nhiều trong dịch não tủy, khả năng kết nối giữa các tế bào thần kinh kém đi do quá trình viêm trong não. Cả hai yếu tố này kết hợp lại dẫn đến tình trạng rối loạn nhận thức của người bệnh.
Một số yếu tố khác cũng dẫn đến "Hội chứng sương mù não" như: tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị, stress, căng thẳng tâm lý, rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm, ít vận động, tập luyện thể thao.
Các yếu tố bệnh lý gặp phải sau khi mắc Covid – 19: mệt mỏi, đau nhức cơ, di chứng trên hệ hô hấp và các yếu tâm lý: lo lắng về bệnh tật, tài chính, công việc … cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng trên.
hoi-chung-suong-mu-nao-hay-quen-hau-covid-19
Hội chứng sương mù não hậu Covid - 19
Theo các nhà khoa học, Covid – 19 được coi là bệnh nhiễm trùng hệ thống (tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau). Mặc dù đã khỏi bệnh nhưng độc tố của virus vẫn còn tồn tại trong các bộ phận của cơ thể như: tim, gan, phổi, thận, não, da, cơ xương khớp gây ra các di chứng hậu Covid – 19.
Covid – 19 có thể để lại một số di chứng cho người bệnh, kể cả với các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ khi nhiễm bệnh. Thông thường các triệu chứng này có thể hết hoặc giảm sau một vài tháng khỏi bệnh. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các di chứng kéo dài hoặc diễn tiến nặng gây nguy hiểm cho người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân cần chủ động theo dõi sức khỏe hậu Covid. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài cần đến các cơ sở y tế để được tái khám và điều trị.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7