top

Danh mục sản phẩm

Biến chứng của bệnh tiểu đường

28/06/2022 09:41
Biến chứng của bệnh tiểu đường
Tiểu đường (đái tháo đường) là căn bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết để chuyển hóa đường thành năng lượng cung cấp cho các tế bào hoạt động hoặc tuyến tụy vẫn tiết đủ insulin nhưng cơ thể đề kháng, không sử dụng được nguồn insulin này khiến cho lượng đường trong máu ở mức cao hơn mức bình thường. Khi đường huyết cao trong thời gian dài sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hoại tử chi dẫn đến phải cắt cụt chân, mù lòa …
Vậy bệnh tiểu đường gây ra những biến chứng gì? Cách phòng tránh các biến chứng của bệnh tiểu đường.
benh-tieu-duong
Bệnh tiểu đường
Biến chứng cấp tính
1. Nhiễm toan ceton
Nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến tử vong, thường gặp ở những người bị tiểu đường tuýp 1. Đó là tình trạng a xít trong máu được sản xuất ra quá nhiều trong cơ thể người bệnh (gọi là ceton). Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể bệnh nhân không sản xuất đủ insulin dẫn đến những rối loạn nặng trong quá trình chuyển hóa các chất: protid, lipid và carbonhydrate. Insulin đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa đường glucose – nguồn cung cấp năng lượng cho tế bào và các mô. Khi bị tiểu đường, lượng insulin bị thiếu hụt nên cơ thể phải phân hủy các chất béo làm nhiên liệu dẫn đến sự tích tụ axit trong máu gây ra hiện tượng nhiễm toan ceton. 
Nhiễm toan ceton là một tình trạng nhiễm độc của cơ thể do máu bị toan hóa (tính acid cao) do nồng độ acid acetic trong máu tăng cao. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do ở người đái tháo đường, lượng insulin bị thiếu hụt dẫn đến quá trình chuyển hóa lipid thành năng lượng bị dang dở.
Các triệu chứng của nhiễm toan ceton: 
- Mất nước: khát nước, môi khô, lưỡi khô, chuột rút, người mệt mỏi, chán ăn, mạch nhanh, huyết áp tụt.
- Đường huyết tăng cao (> 13.9 mmol/L): tiểu tiện nhiều, khát nước, mắt nhìn mờ
- Toan chuyển hóa: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, hơi thở có mùi hôi.
- Rối loạn ý thức: lơ mơ, vật vã, hôn mê.
- Sút cân, thân nhiệt giảm nhẹ
2. Tăng áp lực thẩm thấu
Tăng áp lực thẩm thấu do đái tháo đường là biến chứng nặng và nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường tuýp 2. Biến chứng này có thể gây tỉ lệ tử vong cao (khoảng 20%), cao hơn rất nhiều so với biến chứng nhiễm toan ceton (< 1%). Tình trạng này xảy ra khi nồng độ đường trong máu của bệnh nhân tăng cao trong một thời gian dài dẫn đến việc cơ thể bị mất nước nghiêm trọng do tăng áp lực thẩm thấu máu gây ra bởi tình trạng tăng đường huyết.
bien-chung-cap-cua-benh-tieu-duong
Các biến chứng của bệnh tiểu đường
3. Hạ đường huyết
Tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu xuống dưới 3.6 mmol/L. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do người bệnh ăn uống kiêng kem quá mức cần thiết, dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hoặc ăn ít nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện thể dục thể thao quá sức hoặc uống quá nhiều bia rượu. Triệu chứng hạ đường huyết là bủn rủn chân tay, đói cồn cào, toát mồ hôi, người choáng váng, tim hồi hộp đánh trống ngực.
Tình trạng hạ đường huyết rất nguy hiểm, nếu không được chữa trị kịp thời người bệnh có thể bị hôn mê, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Biến chứng mạn tính
1. Biến chứng trên tim mạch
Biến chứng tim mạch là biến chứng phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những bệnh nhân tiểu đường. Các biến chứng về tim mạch phổ biến: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não.
Sở dĩ người bệnh tiểu đường thường bị biến chứng trên tim mạch là do đường huyết tăng cao trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng xơ vữa mạch máu. Cơ chế của hiện tượng này là lớp tế bào nội mạc bị tổn thương dẫn đến chức năng nội mạc của mạch máu bị rối loạn, điều này sẽ khiến cho các phân tử cholesterol chui vào trong lớp nội mạc một cách dễ dàng, thêm vào đó các tế bào bạch cầu trong máu cũng tăng khả năng kết dính và xuyên thành mạch. Hai yếu tố này kết hợp với nhau hình thành các mảng vữa ở động mạch, chúng tiến triển nhanh làm cho lòng mạch máu bị hẹp dần dẫn đến thiếu máu cục bộ ở tim. 
Mặt khác, khi lớp nội mạc của mạch máu bị tổn thương cũng khiến cho hiện tượng co mạch diễn ra thuận lợi hơn cùng với sự kết dính của các tế bào tiểu cầu sẽ tạo ra các cục máu đông (huyết khối) trong lòng mạch khiến cho mạch máu bị tắc nghẽn gây ra các cơn thiếu máu cục bộ cơ tim: đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
bien-chung-tim-mach-cua-benh-tieu-duong
Biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường
Thống kê cho thấy bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tử vong do bệnh mạch vành cao gấp 4 lần so với những người cũng có bệnh mạch vành nhưng không bị đái tháo đường.
2. Biến chứng trên thận
Thận là cơ quan bài tiết quan trọng của cơ thể giữ vai trò loại bỏ các chất thải, chất độc trong máu. Bên trong thận có rất nhiều mạch máu nhỏ hoạt động như một bộ lọc. Ở những người bị tiểu đường, lượng đường huyết tăng cao trong thời gian dài khiến cho các mạch máu trong thận bị tổn thương, điều này dẫn đến khả năng lọc của thận bị suy giảm gây ra bệnh tăng huyết áp và suy thận.
Suy thận là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường, biến chứng này thường gặp ở khoảng 20 – 40% những người có dấu hiệu của bệnh.
Tại sao bệnh tiểu đường lại gây ra biến chứng suy thận?
Như chúng ta đã biết chức năng của thận là lọc máu, thông thường máu đi vào thận thông qua các động mạch thận (bao gồm rất nhiều mạch máu nhỏ li ti tập trung tại các búi nhỏ gọi là cầu thận), quá trình lọc máu diễn ra chủ yếu ở cầu thận. Tuy vậy, ở người bị tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài sẽ làm sản sinh ra nhiều chất chống oxy hóa khiến cho các mạch máu (mao mạch) ở cầu thận bị tổn thương. Mặt khác, lượng đường huyết cao vượt ngưỡng cho phép của thận cũng khiến cho bộ phận này phải hoạt động liên tục, hết công suất. Việc này diễn ra trong thời gian dài làm cho các lỗ trọc to hơn dẫn đến protein bị thoát ra ngoài gây suy giảm chức năng thận. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ khiến cho thận bị xơ hóa dần và cuối cùng là mất hoàn toàn chức năng. Lúc này, để duy trì sự sống người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
bien-chung-suy-than-do-tieu-duong
Bệnh tiểu đường có thể gây ra biến chứng suy thận
Một số dấu hiệu nhận biết biến chứng suy thận ở người bị tiểu đường như: ban đêm đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có nhiều bọt, có hiện tượng phù (ở mặt, bàn chân, cẳng), tăng huyết áp, hay bị hạ đường huyết, người mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, da xanh xao, ngứa ngáy, khó thở
3. Biến chứng về thị giác
Bệnh tiểu đường gây ra hàng loạt biến chứng về thị giác như: suy giảm thị lực, phù hoàng điểm, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường có thể gặp các biến chứng về mắt rất sớm, ngay ở giai đoạn tiền tiểu đường, khi mức đường huyết chưa cao đến mức được xác định là bệnh tiểu đường. Vì vậy, những bệnh nhân đái tháo đường cần chú ý khi thấy mắt có vấn đề bất thường phải đi khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ bị các bệnh về mắt gây suy giảm thị lực hoặc nặng hơn là mù lòa.
Các biến chứng về mắt thường gặp ở bệnh tiểu đường
- Tăng nhãn áp
Nghiên cứu cho thấy, những người bị bệnh đái tháo đường thường có nguy cơ tăng nhãn áp cao gấp hai lần so với những người bình thường. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do lượng đường huyết tăng cao khiến cho các dây thần kinh thị giác phải chịu một áp lực lớn. Dấu hiệu nhận biết bệnh tăng nhãn áp: tầm nhìn của bệnh nhân bị hạn chế, mắt nhìn mờ và xuất hiện các khoảng tối, cảm giác như có một màng che phủ trước mắt. Một số trường hợp bệnh nhân thấy buồn nôn hoặc bị nôn.
- Đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể đóng vai trò như một thấu kính giúp chúng ta nhìn rõ mọi vật. Theo thời gian và tuổi tác thủy tinh thể sẽ bị mờ đục dần khiến thị lực giảm đi. Tuy nhiên, với người bệnh tiểu đường, quá trình đục thủy tinh thể diễn ra nhanh hơn (ngay cả khi bệnh nhân còn trẻ).
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể ở người bị tiểu đường là do nồng độ đường trong máu cao khiến cho thủy tinh thể bị lắng cặn. Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể là: mắt mờ, thi thoảng có hiện tượng nhìn đôi hoặc nhìn ba, mắt hay bị mỏi khi tập trung nhìn lâu vào một vật nào đó, tăng sự nhạy cảm với ánh sáng, hay bị lóa mắt, khó nhìn ở ngoài sáng hơn là trong bóng râm.
- Bệnh võng mạc tiểu đường
Đây là biến chứng phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa. Ước tính có đến 30 – 40% bệnh nhân gặp các vấn đề về võng mạc. Bệnh võng mạc tiểu đường thường phát triển qua hai giai đoạn.
Ở giai đoạn sớm (bệnh lý võng mạc không tăng sinh): trong giai đoạn này các vi mạch bị tổn thương, chúng phình to gây rò rỉ máu vào võng mạc.
Ở giai đoạn muộn các vi mạch bị tổn thương chết dần, xuất hiện các vi mạch mới sinh ra trên bề mặt võng mạc, rất dễ bị tổn thương và xuất hiện sai vị trí.
benh-vong-mac-tieu-duong
Bệnh võng mạc tiểu đường
Vì sao bệnh tiểu đường gây biến chứng ở mắt?
Đái tháo đường gây tổn thương các mạch máu ở khắp cơ thể, trong đó có cả các mạch máu nhỏ (vi mạch) ở mắt. Khi lượng đường huyết tăng cao, chúng làm cho các mao mạch ở võng mạc bị tổn thương khiến tính thấm của thành mạch tăng lên, huyết tương từ trong máu sẽ thoát vào võng mạc gây phù nề, hậu quả là mao mạch bị phá hủy dẫn đến tắc nghẽn mạch và thiếu máu võng mạc. Lúc này cơ thể phản ứng bằng cách tạo ra các mạch máu mới để thay thế cho những mạch máu cũ nhằm nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Nhưng những mạch máu mới được tạo ra rất mỏng manh, dễ vỡ gây ra hiện tượng xuất huyết võng mạc, ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân.
4. Biến chứng thần kinh
Biến chứng thần kinh là một trong những biến chứng phổ biến, thường gặp ở người bị tiểu đường. Ước tính có khoảng 60 – 70% bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng này. Trong đó chủ yếu là biến chứng thần kinh thực vật và biến chứng thần kinh ngoại biên. Biến chứng thần kinh xuất hiện từ khá sớm, có đến 10% số bệnh nhân có biến chứng này ở thời điểm phát hiện ra bệnh. Mặc dù biến chứng thần kinh ít khi gây tử vong cho người bị đái tháo đường, song là thủ phạm chính gây tàn phế và nhiều trường hợp người bệnh phải cắt cụt chân vì biến chứng này.
bien-chung-than-kinh-cua-benh-tieu-duong
Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường
Tại sao bệnh tiểu đường lại gây ra biến chứng thần kinh?
Cho đến nay cơ chế gây tổn thương các dây thần kinh của bệnh đái tháo đường vẫn chưa được biết chính xác. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng đường huyết cao trong thời gian dài là yếu tố gây tổn thương (hẹp, tắc) các mạch máu nhỏ phụ trách việc nuôi dưỡng dây thần kinh. Hơn nữa, nồng độ glucose trong máu cao khiến cho cơ thể sinh ra một số sản phẩm chuyển hóa gây độc cho các dây thần kinh. Các yếu tố này dẫn đến hậu quả là các dây thần kinh bị thoái hóa làm cho tốc độ dẫn truyền tín hiệu của chúng bị chậm lại, thậm chí mất hẳn khiến người bệnh mất dần cảm giác. Đa số các tổn thương ở dây thần kinh là vĩnh viễn, nếu có trên một nửa số sợi trục bị tổn thương thì dây thần kinh không có khả năng phục hồi.
Một số biểu hiện của biến chứng thần kinh ở bệnh nhân tiểu đường
Biến chứng thần kinh ngoại biên chủ yếu hay gặp ở các dây thần kinh chi dưới (chân) với các biểu hiện sau:
- Cảm giác không đồng đều giữa 2 chân, chủ yếu là ở bàn chân, hoặc ở cẳng chân, ít khi vượt qua khu vực đầu gối.
- Thấy tê bì chân tay, cảm thấy như bị kiến bò ở bàn chân, ngón chân.
- Đau, nóng rát hai bàn chân nhất là ở gan bàn chân, đặc biệt cơn đau tăng lên vào ban đêm khiến bệnh nhân bị mất ngủ. Bệnh nhân có thể đau từng đợt hoặc đau kéo dài, các triệu chứng của cơn đau rất khó chịu, các thuốc giảm đau thông thường không có tác dụng.
- Hai chân và hai tay bị mất cảm giác một phần hoặc toàn bộ. Khi dây thần kinh ở chân bị tổn thương, người bệnh sẽ bị rối loạn hoặc mất cảm giác ở bộ phận này. Bệnh nhân rất dễ bị thương ở bàn chân do không có cảm giác đau hoặc hoặc không nhận biết được các dấu hiệu nguy hiểm khác như: nóng, các vật sắc nhọn. Nhiều trường hợp người bệnh bị bỏng hoặc chân có vết rách lớn mà không hề biết dẫn tới nhiễm trùng khiến bàn chân bị loét hoặc phải cắt cụt chân. 
bien-chung-loet-ban-chan-o-nguoi-bi-tieu-duong
Biến chứng bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường
Để phòng tránh các biến chứng của bệnh tiểu đường, các chuyên gia cho rằng việc quan trọng nhất đối với bệnh nhân là kiểm soát tốt đường huyết. Luôn duy trì đường huyết ở mức:
Đường huyết khi đói: từ 3.9 – 7.2 mmol/L
Đường huyết trước khi ăn: dưới 7.2 mmol/L
Đường huyết sau khi ăn 2h: dưới 10 mmol/L
Tỷ lệ đường gắn với hemoglobin hồng cầu (chỉ số HbA1c) < 7%.
Để duy trì được đường huyết ở mức lý tưởng, người bệnh cần áp dụng nhiều biện pháp khác nhau: dùng thuốc đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện chế độ ăn uống khoa học: chia nhỏ bữa ăn trong ngày, hạn chế tinh bột, muối, chất béo; ăn nhiều rau, củ, quả, thực phẩm nhiều chất xơ; tích cực tập luyện thể dục thể thao hàng ngày để giảm tình trạng đề kháng insulin, qua đó làm giảm đường huyết.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7