top

Danh mục sản phẩm

Bệnh Ung thư tuyến tụy mà Diễn viên - Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng gặp phải là bệnh gì? Chúng nguy hiểm như thế nào?

27/02/2021 07:03
Bệnh Ung thư tuyến tụy mà Diễn viên - Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng gặp phải là bệnh gì? Chúng nguy hiểm như thế nào?
Diễn viên – Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng là nhân vật nổi tiếng trong làng Điện Ảnh Việt Nam. Ông được rất nhiều thế hệ học trò và khán giả yêu quý. Tên tuổi của ông gắn liền với các bộ phim truyền hình ăn khách như: người phán xử, về nhà đi con. Mới đây, thông tin ông qua đời khiến vì ung thư tuyến tụy khiến người hâm mộ vô cùng tiếc nuối và xót thương. Vậy căn bệnh mà ông mắc phải là bệnh gì và nguy hiểm như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu.
dien-vien-hoang-dung
Diễn viên - Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Dũng
Tuyến tụy là gì?
Tuyến tụy (hay còn gọi là lá mía) là một tuyến có hình dáng giống như một cái búa nằm trong cơ thể thuộc hệ tiêu hóa và nội tiết. Tụy nặng khoảng 80 gram nằm phía sau dạ dày, sau phúc mạc, sát thành ổ bụng, vắt ngang qua đốt sống thắt lưng trên. Chúng có màu hồng, dài khoảng 15 cm, chiều cao 6 cm và dầy 3 cm.
Tuyến tụy có chức năng gì?
Tụy vừa có chức năng nội tiết, vừa có chức năng ngoại tiết. Tuyến tụy giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng của đường huyết.
Chức năng nội tiết: Tiết ra insulin và glucagon
- Insulin: có tác dụng làm giảm đường huyết.
Khi nồng độ đường trong máu tăng cao, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin giúp làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách giúp cho các tế bào (nhất là những tế bào ở cơ xương) hấp thụ và kích thích các tế bào này sử dụng glucose để tạo ra protein, chất béo, carbonhydrate.
Những người mắc bệnh tiểu đường thường bị thiếu hụt insulin dẫn đến hiện tượng tăng đường huyết.
- Glucagon: có tác dụng tăng đường huyết
Chất này giúp tăng cường chuyển hóa glycogen ở gan thành glucose vào máu. Khi nồng độ đường trong máu thấp tuyến tụy sẽ tiết ra glucagon – chất có vai trò làm tăng đường huyết qua cơ chế kích thích quá trình tổng hợp glucose, đồng thời tăng quá trình phân hủy glycogen dự trữ trong gan thành glucose.
Chức năng ngoại tiết: 
Tiết ra dịch tụy (gồm các enzyme) đổ vào ruột non giúp tiêu hóa thức ăn. Mỗi ngày, tuyến tụy tiết ra khoảng 1 lít dịch tụy (1.000 ml). Khi ăn là thời điểm lượng dịch tụy được tiết ra nhiều nhất 
Các enzyme tiêu hóa trong dịch tụy được chia thành nhiều nhóm khác nhau:
- Nhóm tiêu hóa Protein gồm: trypsin, chymotrypsin, elastase, carboxypeptidase.
- Nhóm tiêu hóa Glucid: amylase.
- Nhóm tiêu hóa Lipid: lipase, phospholipase A2, cholesterol esterase.
Ung thư tuyến tụy là bệnh gì?
Ung thư tuyến tụy là những khối u ác tính bắt nguồn từ bất kỳ bộ phận nào của mô tụy. Đó có thể là các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết hoặc các tế bào thuộc mô liên kết của tụy. Trong đó chủ yếu ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết chiếm đa số (trên 95%).
benh-ung-thu-tuyen-tuy
Bệnh ung thư tuyến tụy
Bệnh ung thư tuyến tụy có nguy hiểm không?
Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Thế Giới GLOBOCAN, ung thư tụy đứng thứ 14 về tỉ lệ mắc (xấp xỉ 459.000 ca mắc/năm), nhưng lại xếp thứ 7 về tỉ lệ tử vong do ung thư (hơn 432.000 ca/năm). Ung thư tuyến tụy được ví là “Ung thư tử thần” bởi đây là loại ung thư khó phát hiện, khó điều trị và có tỉ lệ tử vong cao.
Ung thư tụy khó phát hiện ở giai đoạn sớm do tụy có vị trí đặc biệt, nằm sâu trong ổ bụng, các triệu chứng khởi phát của bệnh lại rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Tuyến tụy có liên hệ mật thiết với gan, mật, khi ung thư tụy phát triển chúng sẽ chèn ép vào các ống mật, gây tắc mật khiến gan bị ứ mật dẫn đến suy gan. Bệnh nhân sẽ tử vong do suy gan trước khi ung thư tụy hoành hành.
Do khó phát hiện sớm nên đa số bệnh nhân (80 – 85%) khi đến khám, được phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn 4). Ở giai đoạn này việc phẫu thuật là gần như không thể. Việc điều trị chủ yếu là làm giảm các triệu chứng của bệnh (chủ yếu do tắc mạch gây ra), kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Bệnh nhân mắc ung thư tụy, nếu không được phẫu thuật thì tỷ lệ tử vong lên đến 60 – 70% trong những năm đầu tiên. Nếu được mổ thì chỉ có khoảng 5% số ca sống sót sau 5 năm, còn lại 95% bệnh nhân sẽ tử vong trước 5 năm.
Việc điều trị ung thư tuyến tụy rất phức tạp do bệnh nhân phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật cắt bỏ nhiều bộ phận trong ổ bụng làm giảm chất lượng sống nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến tụy? Ai có nguy cơ bị ung thư tuyến tụy?
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh ung thư tụy. Tuy nhiên, có nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố nguy cơ liên quan chặt chẽ đến căn bệnh này như:
Yếu tố di truyền: gồm 2 nhóm
- Những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị ung thư tuyến tụy thì có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Bệnh xảy ra khi đột biến gen BRCA1 và BRCA2 được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau trong gia đình.
- Những người mắc hội chứng di truyền (thay đổi gen di truyền hay còn gọi là đột biến gen) liên quan đến tăng nguy cơ bị ung thư tụy: ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, viêm tụy. Tỷ lệ hội chứng di truyền gây ra ung thư tụy khoảng 10%.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá được coi là yếu tố có nguy cơ lớn gây ra ung thư tụy. những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư tụy cao gấp đôi so với những người không hút thuốc. Thống kê cho thấy có khoảng 25% trường hợp mắc ung thư tụy được xác định là do hút thuốc lá. Ngoài thuốc lá thì hút xì gà và các các sản phẩm thuốc lá không khói cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh tiểu đường
Ung thư tụy thường phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Các công trình nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa ung thư tụy và đái tháo đường đặc biệt là những người bị tiểu đường tuýp II. Bệnh tiểu đường vừa là yếu tố nguy cơ, vừa là hậu quả của ung thư tuyến tụy.
Một số bệnh lý ở tuyến tụy
- Viêm tụy mạn tính
Viêm tuyến tụy mạn tính được xác định là yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến tụy. Viêm tụy mạn tính thường gặp ở những người sử dụng rượu bia và hút thuốc.
- Xơ nang tụy
Thừa cân, béo phì 
Thừa cân, béo phì cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy. thống kê cho thấy: những người béo phì có nguy cơ bị ung thư tụy cao hơn 20% so với người bình thường.
Chế độ ăn uống
Thói quen ăn ngọt (nhiều đường) nhiều chất béo, uống nhiều nước có gas cũng là yếu tố góp phần tăng khả năng mắc ung thư tụy.
ai-de-bi-benh-ung-thu-tuyen-tuy
Những thói quen làm tăng khả năng mắc ung thư tuyến tụy
Triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy
Đa số các trường hợp ung thư tuyến tụy xuất phát từ vùng đầu tụy (60 – 70%). Chỉ có khoảng 20 – 25% khối u nằm ở thân hoặc đuôi tụy.
Những triệu chứng thường gặp ở ung thư tụy
Đau bụng
Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư tụy. Đau bụng thường xuất hiện từ 1 – 2 tháng trước thời điểm phát hiện ra bệnh, cơn đau tăng dần theo diễn tiến của bệnh, ban đầu các cơn đau thường nhẹ và thoáng qua ở vùng thượng vị, nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày. Cơn đau bụng có thể lan sang hai bên hoặc xuyên ra phía sau lưng, đau có thể không diễn ra liên tục nhưng bệnh nhân thường bị đau hơn mỗi khi nằm ngửa hoặc sau khi ăn khiến họ phải nằm trong tư thế cuộn tròn cho đỡ đau.
Đa số trường hợp ung thư tụy cơn đau bụng thường xuất hiện từ từ và tăng dần theo tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân đột ngột đau bụng dữ dội do lúc này khối u chèn ép làm ống tụy bị tắc nghẽn gây ra tình trạng viêm tụy cấp.
Đi ngoài phân sống
Tuyến tụy đảm nhiệm vai trò tiết ra các loại enzyme để tiêu hóa thức ăn. Khi bị ung thư tụy, khối u cản trở quá trình vận chuyển các men tụy xuống ruột non, điều này khiến cho thức ăn không được tiêu hóa hết và thải ra ngoài dẫn đến sống phân. Do thiếu men tụy nên các thức ăn không được tiêu hóa hết, người bệnh bị thiếu dinh dưỡng nên bị suy kiệt nhanh. Trong trường hợp này cần bổ sung kịp thời các loại men tụy cho bệnh nhân.
Vàng da, nước tiểu sẫm màu
Khi bị ung thư tụy, người bệnh sẽ mắc hội chứng tắc mật do khối u gây ra làm tắc ống dẫn mật khiến dịch mật ở gan không xuống được tá tràng, mật dẫn thẳng vào máu gây ra hiện tượng vàng da và khiến cho nước tiểu có màu sẫm. Vàng da do ung thư tụy thường xuất hiện sớm, liên tục và tăng dần với những khối u ở vùng đầu tụy.
Suy nhược cơ thể, sút cân
Người mắc ung thư tuyến tụy thường bị sụt cân nghiêm trọng do tế bào ung thư tiêu hao rất nhiều năng lượng của cơ thể. Hơn nữa, khối u ở tuyến tụy chèn ép lên dạ dày gây cản trở việc ăn uống khiến người bệnh không hấp thu được các chất dinh dưỡng và cơ thể bị gầy yếu, sút cân trầm trọng.
Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng
Bệnh nhân bị ung thư tuyến tụy thường thấy đầy bụng mặc dù ăn rất ít và không có cảm giác thèm ăn do khối u ở tụy xâm lấn vào hệ tiêu hóa, chèn ép vào ruột non, cản trở đường tiêu hóa khiến người bệnh chán ăn, ăn không ngon miệng.
Tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, chướng bụng
Khi các khối u ở tuyến tụy phát triển, chúng chèn ép vào các bộ phận khác của hệ tiêu hóa gây ra các triệu chứng khó chịu: chướng bụng, đầy hơi, táo bón, khó tiêu.  
Buồn nôn, nôn
Buồn nôn, nôn cũng là một trong các dấu hiệu của ung thư tuyến tụy. Khi khối u có kích thước đủ lớn, nó sẽ chèn ép các cơ quan khác của hệ tiêu hóa khiến người bệnh có cảm giác buồn nôn, nôn.
Nước tiểu sẫm màu
Ở những bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy, nước tiểu của họ thường có màu nâu hoặc cam do lượng bilirubin bị dư thừa trong máu được bài tiết qua nước tiểu khiến chúng sẫm màu hơn.
Đái tháo đường
Tuyến tụy sản xuất ra insulin giúp kiểm soát đường huyết. Khi bị ung thư tuyến tụy, quá trình tiết insulin bị ảnh hưởng khiến lượng đường huyết tăng cao gây ra tình trạng đái tháo đường.
trieu-chung-cua-benh-ung-thu-tuyen-tuy
Các triệu chứng của bệnh ung thư tuyến tụy
Ung thư tụy là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm do khó phát hiện và tỷ lệ tử vong cao. Khi có các dấu hiệu ở đường tiêu hóa như: đau bụng, vàng mắt, vàng da, chán ăn, sút cân nhanh, đi ngoài phân sống … chúng ta cần được khám sàng lọc ung thư tuyến tụy đặc biệt là đối với những người có nguy cơ cao như: tiểu đường, hút thuốc lá, uống bia rượu …Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp nâng cao khả năng thành công của việc điều trị
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7