top

Danh mục sản phẩm

Bệnh tiểu đường là gì? Có mấy loại bệnh tiểu đường? Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường.

13/04/2022 14:29
Bệnh tiểu đường là gì? Có mấy loại bệnh tiểu đường?
Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường.
Tiểu đường là căn bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng insulin theo nhu cầu cơ thể hoặc cơ thể không sử dụng được insulin mà tuyến này tiết ra khiến cho quá trình chuyển hóa đường (glucose) thành năng lượng (carbonhydrat) bị ảnh hưởng dẫn đến các tế bào ở trong tình trạng bị “đói năng lượng”
benh-tieu-duong-la-gi
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường)
Theo GS.TS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết đái tháo đường Việt Nam, đến năm 2021 ước tính trên Thế giới có khoảng 537 triệu người trưởng thành (từ 20 – 79 tuổi) mắc bệnh đái tháo đường. Con số này ở Việt Nam là khoảng 3.5 triệu người.
Theo thống kê, cứ 5 giây trôi qua trên thế giới lại có một người mới mắc bệnh tiểu đường. Cứ mỗi 10 giây trôi qua lại có một ca tử vong do bệnh tiểu đường và cứ 30 giây trôi qua lại có một người phải cắt cụt chi vì bệnh đái tháo đường.
Tiểu đường là thủ phạm chính gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận và cắt cụt chi dưới.
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa trong cơ thể biểu hiện bằng lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin (một chất do tuyến tụy tiết ra để điều hòa lượng đường trong máu), dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Việc nồng độ đường (glucose) trong máu tăng cao theo thời gian sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe: tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể: thận, mắt, thần kinh …
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường? (Tại sao bị mắc bệnh tiểu đường)?
Trong cơ thể người, tuyến tụy là cơ quan chịu trách nhiệm tiết ra insulin – một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Insulin sẽ chuyển hóa glucose trong máu thành năng lượng (Carbonhydrate) cung cấp cho các tế bào hoạt động. Khi lượng insulin do tuyến tụy tiết ra không đủ phục vụ cho nhu cầu của cơ thể hoặc lượng insulin tiết ra đủ, nhưng vì lí do nào đó mà cơ thể lại kháng với insulin dẫn đến lượng trong máu không được chuyển hóa hoàn toàn khiến đường huyết tăng cao.
nguyen-nhan-gay-benh-tieu-duong
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh tiểu đường. Một số yếu tố được coi là liên quan đến bệnh tiểu đường như: di truyền, chế độ ăn uống, lối sống …
- Di truyền: Nếu trong gia đình, bố mẹ bị tiểu đường thì con cái cũng có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn so với những người có bố mẹ không bị bệnh.
- Chế độ ăn uống: Những người có thói quen ăn ngọt, ăn nhiều chất béo, tinh bột, thịt đỏ cũng có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn những người khác. 
- Lối sống không cân bằng: người thừa cân, béo phì, ít vận động. Các nghiên cứu cho thấy những người bị thừa cân có tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường cao hơn so với những người bình thường khác.
Có mấy loại bệnh tiểu đường? (Phân loại bệnh tiểu đường)
Bệnh tiểu đường được chia thành ba loại chính
Bệnh tiểu đường tuýp 1 (đái tháo đường tuýp 1)
Bệnh tiểu đường tuýp 1 hay còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin, thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh nhân được xếp vào tiểu đường tuýp 1 là những người mà tế bào beta trong tuyến tụy của họ không tổng hợp và tiết ra lượng insulin đủ với nhu cầu của cơ thể. Lượng insulin trong máu thấp nên không thể điều hòa được lượng đường trong máu.
Đái tháo đường tuýp 1 là bệnh cấp tính, thể nặng, thường xuất hiện đột ngột (sau khi cơ thể bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc), người bệnh có thể bị hôn mê.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 (đái tháo đường tuýp 2)
Bệnh tiểu đường tuýp 2 hay còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin, thường gặp ở người cao tuổi, béo phì, nữ mắc nhiều hơn nam giới. Đái tháo đường tuýp 2 rất phổ biến (có tới 90% số người thuộc trường hợp này). Trong trường hợp này lượng insulin do tuyến tụy tiết ra vẫn đủ nhưng không điều hòa được lượng đường trong máu do có sự xuất hiện của kháng thể kháng lại insulin hoặc receptor tiếp nhận insulin trên màng tế bào bị hỏng.
Bệnh tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ là một dạng tiểu đường xảy ra trong quá trình mang thai của phụ nữ. Tiểu đường thai kỳ là tiểu đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ thường là do khi mang thai, nội tiết tố của phụ nữ thay đổi khiến cho các tế bào không còn khả năng nhạy cảm với insulin. Bệnh có thể gây ra một số vấn đề cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi người mẹ chuyển dạ và sinh con.
benh-tieu-duong-co-may-loai
Phân loại bệnh tiểu đường
Dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường (triệu chứng mắc bệnh tiểu đường)
Những người mắc bệnh tiểu đường đều có các triệu chứng chung là: uống nhiều (khát nước), ăn nhiều, đi tiểu nhiều, sút cân.
Đi tiểu nhiều
Người bình thường đi tiểu từ 6 – 8 lần trong 24 giờ, nhưng với người bị tiểu đường, họ đi tiểu nhiều lần trong ngày. Thông thường, đường glucose được tái hấp thu khi nó đi qua thận, nhưng với những người bị đái tháo đường, do lượng đường trong máu tăng cao khiến cho thận không thể tái hấp thu hết và đưa chúng trở lại được nên cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn khiến bệnh nhân phải đi tiểu nhiều hơn.
Ăn nhiều
Người bị tiểu đường có hiện tượng đường trong máu tăng cao nhưng cơ thể không chuyển hóa được đường thành năng lượng carbonhydrate để phục vụ cho các hoạt động thể chất hàng ngày. Điều này khiến cho các cơ quan rơi vào tình trạng “đói năng lượng”. Để phản ứng với tình trạng này, cơ thể sẽ kích thích cảm giác thèm ăn dẫn đến việc người bệnh có cảm giác đói, thèm ăn và ăn nhiều hơn bình thường.
Khát nước (uống nhiều)
Người bị tiểu đường sẽ có cảm giác khát nước liên tục, nhất là vào buổi tối, thậm chí vừa uống nước xong vẫn cảm thấy khát, muốn uống thêm. Nguyên nhân gây ra khát nước là do lượng đường trong máu tăng cao gây áp lực lên thận khiến thận phải bài xuất ra nước tiểu nhiều hơn để hạn chế tình trạng dư thừa đường dẫn đến mất nước và gửi tín hiệu khát liên tục lên não.
Sút cân (người gầy yếu), mệt mỏi
Đây là dấu hiệu hay gặp nhất của bệnh tiểu đường. Khi cơ thể không đủ khả năng chuyển hóa hết glucose thành năng lượng cung cấp cho các cơ quan hoạt động thì nó buộc phải tìm ra nguồn năng lượng khác để thay thế bằng cách chuyển hóa protein từ các mô cơ và lipid từ mô mỡ thành năng lượng. Lượng chất dinh dưỡng (protein và lipid) bị lấy đi không được bù lại bằng đường ăn uống (do cơ thể không hấp thu được) nên mặc dù người bị tiểu đường ăn uống nhiều nhưng vẫn gặp phải hiện tượng sút cân, người gầy yếu, mệt mỏi.
trieu-chung-benh-tieu-duong
Các dấu hiệu (triệu chứng) nhận biết bệnh tiểu đường
Ngoài bốn triệu chứng chính như trên, bệnh nhân tiểu đường còn có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Mắt nhìn mờ, suy giảm thị lực
Mắt nhìn mờ là một trong những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bệnh tiểu đường. Khi lượng đường trong máu tăng cao đến mức dư thừa, chúng sẽ thẩm thấu đến các cơ quan khác nhau, trong đó có mắt, các mạch máu nhỏ ở mắt dễ bị tắc nghẽn hoặc vỡ cùng với sự thay đổi về lượng thủy dịch gây ra các vấn đề về mắt: nhìn mờ, giảm thị lực. Nếu lượng glucose huyết ở mức cao trong thời gian dài chúng có thể rò rỉ vào võng mạc gây ra những hậu quả nghiêm trọng: bệnh võng mạc tiểu đường, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể. Bệnh nhân nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến mù lòa.
- Các vết thương, vết loét chậm liền
Khi bị tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao khiến cho động mạch bị xơ vữa, các mạch máu bị thu hẹp lại dẫn đến việc vận chuyển oxy đến các vết thương bị giảm, mặt khác, lượng đường huyết cao cũng khiến chức năng của các tế bào hồng cầu và bạch cầu bị giảm. Điều này làm cho việc vận chuyển các chất dinh dưỡng đến các mô bị ảnh hưởng, vai trò chống nhiễm trùng của bạch cầu bị suy giảm. Các yếu tố này kết hợp lại khiến cho các vết thương, vết loét trở nên lâu lành.
Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?
Bệnh tiểu đường, nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ra nhiều “biến chứng nguy hiểm” cho người bệnh, đặc biệt là các biến chứng trên tim mạch, mắt, thận.
Thống kê cho thấy trung bình cứ 10 bệnh nhân tiểu đường thì có đến 8 người mắc bệnh tim mạch. 75% số trường hợp tử vong ở người bị tiểu đường tuýp 2 là do bệnh tim mạch gây ra (trong đó chủ yếu là nhồi máu cơ timđột quỵ).
Bệnh tiểu đườngnguyên nhân phổ biến gây suy thận giai đoạn cuối.
Tiểu đường còn gây biến chứng trên mắt (bệnh võng mạc do tiểu đường) là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở những bệnh nhân này.
cac-bien-chung-cua-benh-tieu-duong
Bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh
Điều nguy hiểm nhất của bệnh tiểu đường là chúng diễn biến một cách âm thầm, không gây đau đớn cho người bệnh. Nhiều người sống trong thời gian dài với mức đường huyết cao mà không hề hay biết mình bị bệnh, không biết rằng một số bộ phận trong cơ thể đang bị tàn phá thầm lặng. Thống kê chỉ ra rằng vào thời điểm phát hiện ra bệnh, có đến 50% số bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 đã có ít nhất 1 biến chứng. Nếu phát hiện muộn, việc điều trị bệnh tiểu đường sẽ rất khó khăn và tốn kém, hiệu quả thường thấp, bệnh nhân có nguy cơ gặp nhiều biến chứng ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và sinh hoạt của bản thân. 
Theo Tiến sĩ Phan Hoàng Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, số người mắc bệnh tiểu đường nước ta đang gia tăng nhanh chóng và có dấu hiệu trẻ hóa. Đây là căn bệnh nguy hiểm (đứng thứ 3 về tỉ lệ tử vong trong số các bệnh không lây nhiễm). Để giảm thiểu những tác hại do bệnh tiểu đường gây ra, Bộ Y Tế khuyến cáo người dân cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đối với những người đã mắc bệnh, cần kiểm soát đường huyết thật tốt để tránh các biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến tàn tật hoặc tử vong.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7