top

Danh mục sản phẩm

Bệnh sốt xuất huyết là gì? Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào? Triệu chứng và cách phòng bệnh sốt xuất huyết

23/06/2022 15:02
Bệnh sốt xuất huyết là gì? Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?
Triệu chứng và cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Theo thống kê của các địa phương, chỉ riêng trong năm 2022 nước ta đã ghi nhận 52.200 ca bệnh (tính đến ngày 12/06/2022) và đã có 29 bệnh nhân tử vong. Viện vệ sinh Dịch tễ Trung Ương cảnh báo hiện nay đang là cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Số ca mắc mới ở nước ta liên tục gia tăng và chưa có chiều hướng giảm. Bộ Y Tế quan ngại dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng nếu chúng ta không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.
benh-sot-xuat-huyet
Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyếtcăn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có 4 chủng virus Dengue gây bệnh: DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3DEN - 4. Sốt xuất huyết thường phổ biến ở các nước thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gặp nhất là vào mùa mưa, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, cả người lớn và trẻ em. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết chủng nào thì chỉ có miễn dịch (suốt đời) với chủng đó, nên một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần trong đời.
Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là một loại muỗi thuộc chi Aedes có tên là Aedes aegypti (được gọi là véc tơ truyền bệnh). Loại muỗi này có nguồn gốc từ Châu Phi, hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt và truyền bệnh cho người. Khi muỗi cái đốt người bị nhiễm virus Dengue, chúng sẽ hút máu của người này, virus vào cơ thể muỗi và ủ bệnh trong thời gian từ 8 – 11 ngày. Trong khoảng thời gian còn sống sau đó, loại muỗi này vẫn có nguy cơ truyền bệnh cho người. khi vào cơ thể người, virus Dengue tiếp tục lưu hành trong máu từ 2 – 7 ngày, trong khoảng thời gian này, nếu muỗi Aedes hút máu người bệnh thì virus tiếp tục được truyền sang cho máu tạo ra chu trình lây nhiễm mới.
qua-trinh-phat-trien-cua-muoi-van-gay-benh-sot-xuat-huyet
Chu trình gây bệnh sốt xuất huyết của muỗi vằn
Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?
Bệnh sốt xuất huyết có hai thể: thể nhẹ và thể nặng. Người bị thể nhẹ có triệu chứng sốt cao, phát ban trên da, đau cơ và đau các khớp, rối loạn đang máu. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, bệnh nhân bị chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột dẫn đến sốc và tử vong.
Phân loại bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết được chia thành 4 mức độ khác nhau
Độ 1: Tiểu cầu bị giảm kèm theo tình trạng máu bị cô đặc nhưng không xảy ra hiện tượng chảy máu tự phát.
Độ 2: Giảm tiểu cầu kèm theo tình trạng cô đặc máu và chảy máu tự phát.
Độ 3: Tiểu cầu giảm, cô đặc máu, động mạch không ổn định, huyết áp kẹp (hiệu số giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương) < 20 mmHg, người bệnh chân tay lạnh, thần kinh lú lẫn.
Độ 4: Tiểu cầu giảm, cô đặc máu, hiện tượng sốc: mạch nhanh, huyết áp tụt, 
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thể nhẹ (cổ điển)
Sốt xuất huyết thể nhẹ thường gặp ở những người mắc bệnh lần đầu bởi họ chưa có miễn dịch với bệnh này. Người bệnh thường có các triệu chứng điển hình và bệnh hiếm khi để lại các biến chứng.
- Sốt cao đột ngột (có thể lên tới 40.5ºC)
Sốt là dấu hiệu đầu tiên của sốt xuất huyết, triệu chứng này thường kéo dài từ 4 – 7 ngày (tính từ thời điểm bị muỗi đốt).
- Nhức đầu, người mệt mỏi
- Đau mình mẩy, đau cơ và đau nhức các khớp
- Buồn nôn, nôn mửa, 
- Đau vùng thượng vị, tiêu chảy
- Phát ban trên da.
Ở trẻ em, thường có các triệu chứng nổi bật như: đau bụng và đau họng. 
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 bệnh nhân sẽ có dấu hiệu hạ sốt, sau đó có thể có các triệu chứng xuất huyết nhẹ: xuất hiện các chấm, nốt xuất huyết dưới da, chảy máu cam. Phát ban xuất hiện sau hạ sốt dạng dát sần với nhiều hình thái khác nhau, đầu tiên ở thân mình, sau đó lan ra chân tay, mặt, lòng bàn chân, lòng bàn tay, thỉnh thoảng có trường hợp gây ngứa. Một số trường hợp bệnh có thể thiến triển, dẫn đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
trieu-chung-cua-benh-sot-xuat-huyet
Các triệu chứng cơ bản của bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết thể nặng – sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)
Sốt xuất huyết thể nặng thường xảy ra ở những người đã có miễn dịch với virus gây bệnh khác với chủng huyết thanh: do đã từng bị sốt xuất huyết (miễn dịch chủ động) hoặc mẹ truyền sang con (miễn dịch thụ động). Một cách dễ hiểu hơn: những người bị sốt xuất huyết nặng thường là các trường hợp mà lần sau mắc bệnh với chủng virus khác với các chủng đã mắc ở những lần trước đó.
Một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng thếm mức độ trầm trọng của bệnh như: trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ, chủng tộc: người Caucasian (da trắng).
Hội chứng sốc dengue là thể nặng nhất của sốt xuất huyết. Bệnh thường diễn tiến nặng đột ngột sau 2 – 5 ngày ở giai đoạn hạ sốt. Thể nặng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn ở người lớn, có thể gây tử vong nhất là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm của người bị sốt xuất huyết.
- Mệt mỏi li bì, lừ đừ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, người tím tái, vật vã.
- Nôn ói nhiều
- Đi tiểu ít
- Đau bụng (đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải đau vùng gan)
- Xuất huyết niêm mạc: chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, nôn ra máu. Phụ nữ bị rong kinh, chảy máu âm đạo bất thường
- Khi làm xét nghiệm máu thấy số lượng tiểu cầu giảm, chỉ số Hematocrit tăng.
Tất cả những bệnh nhân sốt xuất huyết có các triệu chứng trên cần phải được nhập viện theo dõi điều trị. Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ những người bị sốt xuất huyết có bệnh lý nền: cao huyết áp, tiểu đường, suy gan, suy thận, trẻ em và phụ nữ có thai.
Những điều cần lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết
Đa số các trường hợp bị sốt xuất huyết thể nhẹ được điều trị tại nhà hoặc theo dõi tại các cơ sở y tế. Bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề sau:
- Trong quá trình điều trị bệnh, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, tự theo dõi sát sao tình trạng bệnh tại nhà, đến cơ sở y tế làm xét nghiệm theo hẹn của bác sĩ hoặc y tá.
- Nếu bị sốt cao trên 39ºC, cần nới lỏng hoặc cởi bớt quần áo, lau người bằng nước ấm (nhất là ở trán, nách, bẹn). Khi dùng thuốc hạ sốt, chỉ được dùng Paracetamol với liều 10mg/kg thể trọng, nếu bị sốt lại, sau 4 – 6 giờ có thể dùng liều tiếp theo. Tổng liều Paracetamol không quá 3.000 mg/ngày.
- Tuyệt đối không hạ sốt bằng thuốc có chứa ibuprofen hoặc acetyl salicylic acid (Aspirin) vì các thuốc này có thể gây xuất huyết hoặc nhiễm toan máu.
- Bù nước và các chất điện giải bằng cách uống dung dịch Oresol (loại pha sẵn hoặc gói bột pha theo hướng dẫn), nước hoa quả (cam, chanh, bưởi …)
- Nằm màn để tránh muỗi đốt làm lây lan dịch bệnh cho người khác.
- Theo dõi tình trạng bệnh, nếu có các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng (nêu trên) thì phải đến bệnh viên ngay.
cach-chua-benh-sot-xuat-huyet
Những lưu ý khi bị bệnh sốt xuất huyết
Những sai lầm nguy hiểm khi điều trị sốt xuất huyết
Mặc dù đa phần các ca sốt xuất huyết thường ở thể nhẹ nhưng người bệnh tuyệt đối không được chủ quan vì bệnh có thể chuyển từ thể nhẹ sang thể nặng. Sốt xuất huyết thể nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm: xuất huyết nội tạng, suy gan, thận, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy người bệnh cần tránh những sai lầm sau:
Thứ nhất: không đến bệnh viện để khám bệnh
Việc đến các cơ sở y tế để được thăm khám và làm xét nghiệm giúp bệnh nhân biết được tình trạng bệnh của mình, từ đó bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Nếu không làm xét nghiệm, bác sĩ sẽ không đánh giá được tình trạng bệnh dẫn đến việc bỏ sót các ca bệnh nặng.
Thứ hai: nghĩ rằng hết sốt là khỏi bệnh
Đây là sai lầm rất nghiêm trọng vì sau sốt mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Thông thường sau 2 – 7 ngày người bệnh hết sốt và cảm thấy người dễ chịu hơn, nhưng lúc này tiểu cầu bắt đầu giảm mạnh và xảy ra tình trạng thoát huyết tương. Các triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu: xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, trường hợp nặng có thể dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa, chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, sốc dengue (mạch nhanh, huyết áp tụt) dẫn đến tử vong. Trong giai đoạn này bệnh nhân nên nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế đi lại và vận động mạnh, cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Thứ ba: Nghĩ rằng đã khỏi bệnh rồi thì không mắc lại sốt xuất huyết nữa
Nhiều người cho rằng khi họ đã mắc sốt xuất huyết và khỏi bệnh thì không mắc lại căn bệnh này. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm vì virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau, người bệnh có thể mắc chủng mới ở lần nhiễm bệnh sau khác chủng đã mắc ở lần trước đó. Do vậy, khi đã khỏi bệnh vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu lạc quan về sự ra đời của các loại vắc xin có khả năng phòng được cả 4 chủng virus Dengue gây bệnh. Điển hình là vắc xin của Đại học Mahidol (Thái Lan) hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang được phát triển và hoàn thiện, hiện tại vắc xin này đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở pha 2, các kết quả ban đầu cho thấy vắc xin này tỏ ra rất an toàn.
cach-phong-benh-sot-xuat-huyet
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Trong những năm gần đây, bệnh sốt xuất huyết đã trở thành mối quan ngại lớn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sức khỏe cộng đồng. Ước tính trên toàn cầu có khoảng 2.5 tỷ người sống trong vùng có sự lưu hành của căn bệnh này. Sự rộng lớn về mặt địa lý cùng với sự lan tràn của véc tơ truyền bệnh (muỗi) và virus đã khiến khiến tỷ lệ mắc bệnh tăng cao trong khoảng 25 năm gần đây. Sốt xuất huyết cũng dễ xuất hiện dịch do có nhiều chủng virus khác nhau trong môi trường.
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm với khả năng lây lan nhanh, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt loăng quăng bọ gậy xung quanh nhà và phòng tránh bị muỗi đốt bằng cách nằm màn khi ngủ, phun thuốc diệt muỗi định kỳ.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7