top

Danh mục sản phẩm

Bệnh sỏi thận là gì? Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?

05/04/2023 15:35
Bệnh sỏi thận là gì?
Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?
Sỏi thậnbệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý ở đường tiết niệu (chiếm tỷ lệ 48%), thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 30 – 60 tuổi (75 – 80%)
Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh sỏi thận tương đối cao (khoảng 10 – 14%) do nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm nên cơ thể bị mất nước nhiều. 
Bệnh sỏi thận là gì?
Sỏi thận là một từ ngữ dân gian hay dùng để chỉ bệnh sỏi ở đường tiết niệu.
Sỏi tiết niệu là những khối (phân tử) rắn được hình thành trong nước tiểu do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ. Phần lớn sỏi tiết niệu được hình thành từ thận, di chuyển dọc theo hệ tiết niệu nên nhiều người quen gọi là sỏi thận.
benh-soi-than
Bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới (do hệ tiết niệu ở nam giới có cấu tạo phức tạp hơn nữ giới) nên quá trình đào thải sỏi ra bên ngoài khó khăn hơn. 
Sỏi thận được hình thành trong quá trình cô đặc nước tiểu khi các khoáng chất (canxi, natri, oxalat, acid uric …) không tan, chúng kết dính với nhau tạo thành những tinh thể cứng (sỏi).
Sỏi thận thường không nằm im ở một vị trí mà di chuyển theo dòng nước tiểu đi xuống niệu quản hoặc bàng quang.
Có mấy loại sỏi thận?
Dựa vào thành phần hoa học, sỏi thận được chia thành 4 loại:
- Sỏi canxi
Là loại sỏi thận phổ biến nhất hiện nay (chiếm 80 – 90% số trường hợp). Sỏi canxi gồm canxi oxalat và canxi phosphat, trong đó sỏi canxi oxalat thường gặp hơn cả và chiếm tỷ lệ cao ở các nước có khí hậu nhiệt đới như nước ta. Đặc điểm của sỏi canxi là hình dạng gồ ghề và rất cứng, có màu vàng hoặc nâu, tính cản quang mạnh.
- Sỏi acid uric
Sỏi acid uric ít gặp (chỉ chiếm khoảng 10%). Yếu tố gây ra loại sỏi này là do quá trình chuyển hóa purine tăng lên ở một số người: mắc bệnh gút, tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm chứa nhiều purine: thịt đỏ (thịt bò, thịt nghé, thịt trâu), một số loại nấm, cá khô; hoặc bệnh nhân ung thư điều trị bằng các thuốc hóa trị liệu (sỏi hình thành do khối u bị phân hủy).
co-may-loai-soi-than
Các loại sỏi tiết niệu
- Sỏi phosphate (hay còn gọi là sỏi nhiễm trùng, sỏi struvite)
Loại sỏi này ít gặp hơn (chiếm tỷ lệ khoảng 10%). Yếu tố dẫn đến hình thành sỏi này là do nhiễm trùng đường tiết niệu: chất thải sinh ra từ quá trình chuyển hóa của vi khuẩn (chủ yếu là vi khuẩn proteus) liên kết với khoáng chất magie trong nước tiểu tạo thành sỏi.
Sỏi phosphate có đặc điểm là thường có màu vàng, kích thước lớn, có thể lấp kín đài bể thận gây ra sỏi san hô.
- Sỏi cystin
Đây là loại sỏi rất hiếm gặp và thường có liên quan đến yếu tố di truyền. Người mắc sỏi thể này thường do quá trình tái hấp thu cystin ở ống thận gặp trục trặc dẫn đến lượng cystin quá nhiều ở thận. Sỏi Cystin có đặc điểm bề mặt trơn láng và không cản quang.
Dựa vào vị trí của viên sỏi, sỏi tiết niệu được chia thành 4 loại
- Sỏi thận: sỏi tiết niệu nằm ở thận (có thể ở bể thận hoặc đài bể thận)
- Sỏi niệu quản: sỏi tiết niệu di chuyển từ bể thận xuống niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang). Sỏi niệu quản có thể gây tắc nghẽn đường tiết niệu.
- Sỏi bàng quang: phần lớn các trường hợp (80%) sỏi bàng quang là do sỏi tiết niệu từ thận rơi xuống gây bít tắc cổ bàng quang hoặc niệu đạo.
- Sỏi niệu đạo: hình thành khi sỏi từ bàng quang theo dòng nước tiểu đi xuống niệu đạo và bị mắc kẹt tại đây.
soi-than-gom-nhung-loai-nao
Sỏi tiết niệu có thể nằm ở nhiều vị trí trên đường tiết niệu
Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận có thể gặp ở bất kỳ ai và nguyên nhân gây ra sỏi thận rất đa dạng.
Cơ thể bị thiếu nước
Khi cơ thể bị mất nước, lượng nước ít không đủ cho thận bài tiết, nước tiểu trở nên quá đặc khiến các chất khoáng dễ kết dính với nhau tạo thành sỏi. Các yếu tố khiến cơ thể bị thiếu nước: thói quen ít uống nước, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy. 
Chế độ ăn uống thiếu khoa học
- Ăn nhiều muối
Đây là nguyên nhân phổ biến ở nước ta. Người Việt thường có khẩu vị ăn mặn hơn so với những nước khác. Thói quen ăn nhiều muối và nước mắm dễ dẫn đến hình thành sỏi thận (sỏi canxi) do khi ăn mặn, quá trình đào thải các chất canxi và natri tại ống thận tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi hình thành.
- Ăn nhiều đạm
Chế độ ăn quá nhiều thịt khiến thận phải gánh nhiệm vụ chuyển hóa một lượng lớn protein – đây là một công việc nặng nề khiến cho quá trình bài tiết các chất cặn bã của thận bị ảnh hưởng, các chất này dễ lắng đọng, tích tụ tại thận gây sỏi thận.
Một lý do khác là quá trình chuyển hóa đạm từ thịt động vật làm giảm sự bài tiết citrate – một chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi. Nhưng lại kích thích cơ thể tiết ra nhiều chất có khả năng gây sỏi (canxi và cystin). Quá trình này còn làm tăng độ pH của nước tiểu (nước tiểu có tính kiềm).
- Thừa canxi và vitamin C.
Khi người dùng bổ sung quá nhiều canxi và vitamin C đến mức dư thừa sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận.
Nếu bị thừa canxi, việc hấp thu các chất khác (sắt, kẽm) bị ảnh hưởng (do bị ức chế). Lượng canxi thừa được đào thải ra nước tiểu, việc đào thải nhiều khiến thận bị quá tải, canxi bị lắng đọng lại gây sỏi thận. 
Khi cơ thể bị thừa vitamin C thì quá trình bài tiết chất oxalat và acid uric trong nước tiểu tăng lên – đây là hai yếu tố hình thành nên sỏi thận.
nguyen-nhan-gay-ra-benh-soi-than
Một số nguyên nhân gây ra bệnh sỏi thận
Mắc một số bệnh lý
Một số bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận như: bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp, cường tuyến giáp.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, chúng có thể tồn tại dai dẳng ở đó gây viêm đường tiết niệu tạo ra mủ và các chất bài tiết, lâu ngày tích tụ thành sỏi ở đường tiết niệu.
- Người bị bệnh gút cũng dễ mắc sỏi thận do lượng acid uric trong máu tăng cao, không thải trừ kịp, bị lắng đọng ở thận.
- Những người mắc bệnh dạ dày (viêm loét, trào ngược dạ dày thực quản) sử dụng thuốc kháng axít làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thận trong đó có sỏi thận. Kết luận này được đưa ra bởi Hiệp hội Thận Hoa Kỳ (JASN) sau khi tiến hành các nghiên cứu.
- Những người có dị tật bẩm sinh hoặc mắc một số bệnh lý ở đường tiết niệu như: túi thừa trong bàng quang, u xơ tiền liệt tuyến, phì đại tuyến tiền liệt cũng có nguy cơ bị sỏi thận.
- Người ít vận động: bị chấn thương, liệt, lâu ngày không di chuyển có thể bị sỏi thận do nước tiểu bị ứ đọng lâu ngày (do tắc nghẽn).
Tác dụng phụ của một số loại thuốc: thuốc tiểu đường, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc kháng axít dạ dày.
Yếu tố di truyền
Bệnh sỏi thận cũng có yếu tố di truyền. Những người có người thân trong gia đình bị sỏi thận thì nguy cơ bị bệnh này cũng cao hơn những người khác.
Người bị thừa cân, béo phì
Theo một nghiên cứu khoa học của Tác giả Eric N. Taylor và nhóm cộng sự được đăng tải trên Tạp chí The American Medical Asociation: những người bị thừa cân, béo phì có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn những người bình thường. Cụ thể: những người có chỉ số khối cơ thể BMI (tỉ lệ giữa chiều caocân nặng) cao và kích thước vòng eo lớn thì tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận cũng cao hơn những người có chỉ số BMI bình thường.
Các thói quen không tốt như: nhịn tiểu, nhịn ăn sáng
- Nhịn tiểu: nếu thường xuyên nhịn tiểu thì các khoáng chất trong nước tiểu không được đào thải, chúng bị lắng đọng trong đường tiết niệu và ở thận, lâu ngày các chất cặn bã này kết tinh thành sỏi.
- Nhịn ăn sáng: nhịp sinh học của việc tiết mật là vào buổi sáng nhằm chuẩn bị cho việc tiêu hóa thức ăn. Nếu không ăn sáng, lượng dịch mật do túi mật tiết ra bị thừa (do không có thức ăn để tiêu hóa), điều này dẫn đến hiện tượng thừa dịch mật, chúng sẽ tồn tại lâu trong túi mật, chất cholesterol được tiết ra từ túi mật bị tích tụ lâu ngày sẽ hình thành nên sỏi mậtsỏi thận.
cac-thoi-quen-gay-benh-soi-than
Những thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không?
Nhiệm vụ chính của thận là lọc máu, loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể thông qua việc bài xuất nước tiểu. Vì vậy nên nếu xuất hiện sỏi ở đường tiết niệu (chủ yếu là ở thận) sẽ làm cản trở sự lưu thông của nước tiểu và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, thận bị ứ nước, giãn đài bể thận, viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, áp xe thận, suy thận, vỡ thận.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Sỏi thận thực chất là các khoáng chất trong nước tiểu bị lắng đọng, kết tinh lại trong đường tiết niệu lâu ngày tạo thành sỏi. Khi sỏi xuất hiện ở đường tiết niệu, chúng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn trú ngụ. Hơn nữa, trong thời gian tồn tại trong đường tiết niệu, sỏi chuyển động theo dòng nước tiểu, quá trình này có thể cọ xát với các bộ phận của hệ tiết niệu: thận, niệu quản, bàng quang gây chảy máu và tăng nguy cơ nhiễm trùng
Tắc nghẽn đường tiểu
Khi thận hình thành trong bồn thận hoặc đài bể thận, chúng có nguy cơ cao rơi xuống niệu quản và niệu đạo. Khi đó, sỏi sẽ chiếm một phần hoặc toàn bộ không gian của niệu quản, niệu đạo dẫn đến tắc nghẽn đường tiểu. Nước tiểu và các chất thải không thoát ra được gây ra tình trạng thận bị ứ nước, tắc đường tiểu. Lúc này, theo phản xạ tự nhiên của cơ thể, niệu đạo co bóp mạnh hơn để đẩy viên sỏi ra ngoài. Đây cũng chính là lúc người bệnh xuất hiện những cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội ở hai bên thắt lưng sau đó lan xuống phía dưới háng.
Suy thận
Sỏi thận nếu không được điều trị có thể dẫn tới suy thận do thận bị ứ nước cộng thêm tình trạng nhiễm trùng lâu ngày khiến nhu mô thận bị phá hủy. Nếu thận bị mất khoảng một nửa số đơn vị thận thì cơ thể vẫn chịu đựng được. Tuy nhiên khi thận mất đến 75% đơn vị thận thì bệnh nhân có nguy cơ cao bị suy thận. Lúc này, để duy trì sự sống, người bệnh phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận, chi phí điều trị rất đắt đỏ, thận không thể hồi phục lại.
Nếu các viên sỏi làm tắc đường tiểu của hai quả thận cùng lúc, bệnh nhân sẽ bị vô niệu (mất tiểu hoàn toàn). Tình trạng này nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.
Viêm đài bể thận cấp
Nếu sỏi bị tắc nghẽn ở đường tiết niệu lâu ngày không được điều trị sẽ dẫn tới hiện tượng niệu quản, đài thận, bể thận bị nhiễm khuẩn cấp tính. Khi bể thận bị nhiễm khuẩn với mức độ nặng sẽ gây ra tình trạng viêm bể thận cấp với các triệu chứng: sốt cao đột ngột, đau dữ dội ở hông, đi tiểu ra mủ.
Vỡ thận
Vỡ thận là biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, điều may mắn là biến chứng này rất hiếm gặp. Sỏi thận lâu ngày dẫn đến tình trạng thận bị ứ nước, vách thận rất mỏng nên nếu tình trạng ứ nước kéo dài cộng thêm hiện tượng phù nề, viêm sưng làm gia tăng áp lực quá mức lên thận gây vỡ thận đột ngột.
benh-suy-than-co-nguy-hiem-khong
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi thận
Bệnh sỏi thận rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng như: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, giãn đài bể thận, thận bị ứ nước, suy thận, thận ứ mủ, áp xe thận.
Để phòng bệnh suy thận, các chuyên gia y tế khuyên người dân nên chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt: uống nhiều nước (đặc biệt là nước lọc, hạn chế các loại đồ uống có gas, soda, nước trà và cà phê), đi tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu, không được nhịn tiểu, ăn sáng đầy đủ, không được nhịn bữa sáng. Chế độ ăn: tránh ăn mặn và ăn ngọt; ăn vừa phải đạm động vật (các loại thịt). Nên ăn nhiều rau xanh, tích cực vận động, tập luyện thể dục thể thao. Thận trọng khi dùng các sản phẩm bổ sung canxi và vitamin C. Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh (nếu có) và có phương pháp điều trị kịp thời.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7