top

Danh mục sản phẩm

Bệnh rối loạn tiền đình là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình

09/06/2023 11:25
Bệnh rối loạn tiền đình là gì?
Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là bệnh phổ biến trong xã hội, bệnh thường gặp ở người trung niên (trên 40 tuổi) và cao tuổi. Thống kê cho thấy nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới. 
Tiền đình là gì?
Tiền đình là một cơ quan trong cơ thể thuộc hệ thần kinh. Tiền đình nằm ở tai trong (phía sau hai bên ốc tai)
Chức năng của tiền đình
Chức năng quan trọng của tiền đình là duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể, phối hợp cử động toàn thân, giữa các bộ phận (đầu, chân, tay, mắt, thân mình) với nhau. Khi chúng ta đứng hoặc đi lại, cử động thì tiền đình cũng nghiêng lắc theo để giữ cho cơ thể thăng bằng.
vi-tri-cua-tien-dinh
Vị trí của tiền đình trong tai
Bệnh rối loạn tiền đình là gì?
Rối loạn tiền đình một bệnh lý đặc trưng bởi sự mất cân bằng về tư thế khiến bệnh nhân bị chóng mặt, đi đứng lảo đảo kèm theo các triệu chứng khác như: buồn nôn, ù tai, hoa mắt.
Rối loạn tiền đìnhtình trạng các thông tin bị rối loạn hoặc tắc nghẽn trong quá trình truyền dẫn hoặc tiếp nhận thông tin của tiền đình do tổn thương các động mạch nuôi dưỡng não, các tổn thương khác ở khu vực tai trong và não hoặc do dây thần kinh số 8 (dây thần kinh thính giác). Hậu quả là khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể của tiền đình bị mất hoặc kém đi khiến cho bệnh nhân loạng choạng, choáng váng, ù tai, hoa mắt, chóng mặt và buồn nôn. Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột, lặp đi lặp lại nhiều lần khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng rất lớn sinh hoạt và lao động của bệnh nhân.
Có mấy loại rối loạn tiền đình?
Rối loạn tiền đình được chia thành hai loại chính:
Rối loạn tiền đình ngoại biên
Đây là dạng rối loạn tiền đình phổ biến nhất (chiếm tỷ lệ 90 – 95% số trường hợp). Rối loạn tiền đình ngoại biên thường do tổn thương bộ phận tiền đình nằm ở tai trong, do dây thần kinh thính giác (số 8) hoặc bệnh nhân có bệnh lý tắc mạch máu vùng sau cổ.
Khi bị rối loạn tiền đình ngoại biên, bệnh nhân thường bị chóng mặt khi thay đổi tư thế nhưng khi di chuyển vẫn tương đối tỉnh táo.
Các triệu chứng của dạng này thường biểu hiện một cách rầm rộ với cơn chóng mặt thoáng qua đột ngột. 
Rối loạn tiền đình trung ương
Dạng này rất ít gặp, các triệu chứng cũng không biểu hiện rầm rộ như rối loạn tiền đình ngoại biên. Đây là hội chứng do nhân tiền đình hoặc tổn thương dây thần kinh kết nối giữa tiểu não và thân não. Người bị rối loạn tiền đình trung ương thường cảm thấy sa sẩm mặt mày, chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế, khó đi lại, giữ thăng bằng cơ thể.
 
benh-roi-loan-tien-dinh-la-gi
Bệnh rối loạn tiền đình
Ai dễ bị rối loạn tiền đình?
Bất cứ ai cũng có thể bị rối loạn tiền đình. Tuy nhiên một số đối tượng sau dễ mắc hội chứng này hơn:
Người cao tuổi
Những người trong độ tuổi ngoài 40 bị rối loạn tiền đình nhiều hơn so với người trẻ tuổi. Nguyên nhân là do ở những người cao tuổi, chức năng của các cơ quan đã bị suy giảm đáng kể.
Bị mất máu nhiều
Những người bị mất máu nhiều: phụ nữ sau sinh, chấn thương, phẫu thuật dễ bị rối loạn tiền đình hơn so với những người khác.
Sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá
Khi sử dụng các chất này, cơ thể mất nước dẫn đến hiện tượng co thắt mạch máu, điều này khiến cho dễ bị rối loạn tiền đình hoặc tình trạng rối loạn tiền đình nặng hơn.
Căng thẳng, stress
Nghiên cứu cho thấy, những người làm việc trong môi trường áp lực cao, hay bị căng thẳng, stress, lo lắng quá mức cũng dễ bị rối loạn tiền đình hơn so với những người khác.
Lối sống thiếu khoa học: ngủ ít hoặc ngủ muộn, thức khuya, lười vận động, chế độ ăn uống không hợp lý
ai-hay-bi-roi-loan-tien-dinh-nao
Những người có nguy cơ cao bị rối loạn tiền đình
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây rối loạn tiền đình. Các yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh như: tai bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus, rối loạn tuần hoàn mạch máu ở não hoặc tai.
Một số nguyên nhân gây rối loạn tiền đình:
- Viêm tai giữa cấp và mạn tính do vi khuẩn hoặc virus 
- Viêm dây thần kinh tiền đình (do bị zona, mắc thủy đậu hoặc quai bị), khối u dây thần kinh số 8.
- Tiền đình não bị tổn thương do chấn thương ở đầu.
- Rối loạn tuần hoàn máu: động mạch tiền đình bị tắc, động mạch cột sống bị co thắt ảnh hưởng đến tai trong hoặc bộ não.
- Các nguyên nhân tại não (thường gặp ở rối loạn tiền đình trung ương): u não, viêm não, nhồi máu não, xuất huyết não, đau nửa đầu (migrain), bệnh Parkinson.
- Do môi trường sống: làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn (ô nhiễm tiếng ồn), hoặc căng thẳng (stress), ít vận động.
- Mắc một số bệnh rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, suy tuyến giáp, tăng ure máu.
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau trong thời gian dài khiến tai bị nhiễm độc.
nguyen-nhan-gay-ra-benh-roi-loan-tien-dinh
Nguyên nhân gây bệnh rối loạn tiền đình
Triệu chứng của bệnh rối loạn tiền đình
Khi bị rối loạn tiền đình, người bệnh sẽ có các triệu chứng như:
Chóng mặt, cảm giác quay cuồng, choáng váng.
Bệnh nhân rối loạn tiền đình thường thấy người chao đảo, quay cuồng, đứng lên ngồi xuống khó khăn (thậm chí, có trường hợp không thể đứng lên được). Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương do chèn ép. Đa số các trường hợp người bệnh sau khi được nghỉ ngơi thì các triệu chứng trên cũng sẽ hết.
Mất thăng bằng, đi lại khó khăn (dễ bị té ngã), khả năng định hướng không gian kém, hay có cảm giác bị ngã. Bệnh nhân thường phải vịn vào người khác hoặc bám víu vào các vật dụng trong nhà mới di chuyển được. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do sự tắc nghẽn của tiểu não, tiền đình và ngoại tháp.
Rối loạn thính giác: ù tai
Rối loạn thị giác: hoa mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng.
Mất ngủ, rối loạn tâm lý hoặc nhận thức: lo lắng quá mức, kém tập trung, giảm khả năng chú ý. Người bệnh thường ở trong trạng thái mơ hồ, đầu óc lâng lâng, cảm giác sợ ngã.
Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như: hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, huyết áp tăng hoặc hạ huyết áp. Một số bệnh nhân còn bị đau đầu, tê chân tay, người run rẩy.
trieu-chung-cua-benh-roi-loan-tien-dinh
Các triệu chứng chính của bệnh rối loạn tiền đình
Cách phòng bệnh rối loạn tiền đình
Để phòng bệnh tiền đình và giảm triệu chứng của bệnh, các chuyên gia y tế khuyên người dân:
- Khi di chuyển bằng ô tô, xe bus, tàu hỏa nên tránh đọc sách, báo hoặc sử dụng các thiết bị điện tử: điện thoại, máy tính … Khi thấy chóng mặt, nên nằm xuống và cố gắng hít thở đều, để giảm sự kích thích của ánh sáng có thể nhắm mắt lại.
- Khi bị rối loạn tiền đình, nên thận trọng trong các tư thế sinh hoạt: đứng lên, ngồi xuống từ từ, không quay đầu cổ nhanh, không lái xe hoặc điều khiển máy móc 
- Nếu đang bị viêm xoang, viêm tai hoặc tai bị tắc nghẽn thì nên tránh đi máy bay.
- Tránh những nơi có tiếng ồn lớn, tránh nghe nhạc với âm thanh lớn có thể gây tổn thương tiền đình.
- Hạn chế ra ngoài trời nắng, nếu rối loạn tiền đình do nhạy cảm với ánh sáng thì nên che chắn cẩn thận cơ thể: đội mũ và đeo kính mắt.
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao nhằm tăng cường lưu thông tuần hoàn máu não, tránh các hoạt động gắng sức và thận trọng với các tác động đến vùng đầu – cổ. Những người làm việc văn phòng, tránh ngồi yên một chỗ quá lâu, thỉnh thoảng nên đi lại, thay đổi tư thế, thực hiện các bài tập vùng đầu và cổ gáy.
- Uống đủ nước (từ 1.5 – 2.0 lít mỗi ngày) để đảm bảo cho quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi và các hoạt động của cơ thể đạt hiệu quả cao.
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích có hại khác.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh: hạn chế mỡ động vật, ăn nhiều rau xanh và hoa quả.
cach-phong-benh-roi-loan-tien-dinh
Cách phòng bệnh rối loạn tiền đình
Bệnh rối loạn tiền đình có thể chỉ diễn ra trong vài ngày rồi hết. Tuy nhiên, bệnh rất hay tái phát hoặc kéo dài để lại những hệ lụy về sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: gãy chân, tay do té ngã, nặng hơn là chấn thương sọ não do đập đầu vào xuống nền hoặc các vật cứng. Rối loạn tiền đình có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm là đột quỵ (tai biến mạch máu não) do máu lưu thông lên não kém. Vì vậy, khi bị mắc bệnh, người dân cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế các biến chứng của bệnh.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7