top

Danh mục sản phẩm

Bệnh nhiệt miệng có lây không và có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt miệng.

24/09/2024 08:48
Bệnh nhiệt miệng có lây không và có nguy hiểm không?
Nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt miệng.
Nhiệt miệngcăn bệnh phổ biến rất thường gặp, hầu như trong chúng ta, ai đã từng bị nhiệt miệng. Có người ít bị và nhanh khỏi, tuy nhiên cũng có người bị nhiệt miệng thường xuyên và dai dẳng, lâu khỏi. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây nhiệt miệng để có biện pháp phòng ngừa căn bệnh này.
1. Bệnh nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng, có nơi gọi “lở mồm” là một từ ngữ dân gian hay dùng để chỉ bệnh viêm loét miệng hay loét áp tơ (tên khoa học là aphthous ulcer).
nhiet-mieng-la-benh-gi
Bệnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng là tình trạng niêm mạc miệng xuất hiện các vết loét (hình tròn hoặc hình oval) ở bất cứ vị trí nào như: môi, lưỡi, lợi, bên trong má hoặc ở nướu răng. Các vết loét thường có đặc điểm: ban đầu chỉ là những đốm nhỏ màu trắng hơi gờ lên trong miệng, dần dần to lên đến một giới hạn nhất định thì vỡ ra và tạo thành các vết loét. Thời gian đầu, các vết loét thường nông và kích thước rất nhỏ (1 – 2 mm), một thời gian sau các vết loét to và sâu hơn, đáy vết loét màu vàng hoặc xám, vùng da bao quanh vết loét có biểu hiện tấy đỏ, bờ rõ ràng. Số lượng vết loét có thể ít hoặc nhiều, kích thước đa dạng (to nhỏ khác nhau).
2. Nhiệt miệng có lây không?
Đa số trường hợp nhiệt miệng không lây. Đó là khi nhiệt miệng mà nguyên nhân gây bệnh không phải do các loại virus: suy giảm sức đề kháng (hệ miễn dịch), vệ sinh răng miệng sai cách, chế độ dinh dưỡng bị thiếu một số chất cần thiết …
Trong một số ít trường hợp, nhiệt miệng do nhiễm virus (hay gặp nhất là virus Herpes) thì bệnh có thể lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc (trực tiếp hoặc gián tiếp) với vết loét hoặc chất dịch của bệnh nhân. Các tiếp xúc này bao gồm: hôn nhau, sử dụng chung các vật dụng ăn uống (bát, đũa, thìa, cốc uống nước) hoặc các đồ dùng vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, tăm bông). Nguy cơ lây nhiễm tăng lên khi các vết loét trong miệng bị vỡ gây chảy máu và dịch mủ ra bên ngoài. Một điểm khác cần lưu ý là ngoài miệng thì virus Herpes còn có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
3. Nhiệt miệng có nguy hiểm không?
Bệnh nhiệt miệng thường không nguy hiểm và có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên ở một số người có thể bị nhiệt miệng tái phát thường xuyên gây đau đớn, khó chịu ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân nhất là khi ăn uống (ăn các món chua, cay, nóng khiến người bệnh đau rát), nhiều người thấy đau ngay cả khi nói hoặc nuốt nước bọt.
Những người bị nhiệt miệng nặng (thể cấp) có thể có các triệu chứng khác như: sốt, nổi hạch, rối loạn tiêu hóa, đau đớn nhiều. Nhiệt miệng có thể tự khỏi mà không cần phải dùng thuốc. Tuy nhiên, một số người có thể bị tái phát thường xuyên theo chu kỳ và chuyển thành nhiệt miệng mạn tính.
Mặc dù các vết loét do nhiệt miệng thường dễ nhận biết, tuy nhiên cần thận trọng để tránh bị nhầm lẫn với một số bệnh cũng gây ra triệu chứng này. Bệnh ung thư lưỡi giai đoạn đầu có các triệu chứng rất giống với nhiệt miệng. Điểm khác nhau là ở giai đoạn phát triển, vết loét do ung thư lưỡi to lên rất nhanh, hình dáng nham nhở, chỉ cần cọ xát nhẹ là chảy máu và khi hoại tử có mùi hôi khó chịu. Vết loét do ung thư lưỡi thường dai dẳng, lâu khỏi đi kèm với các triệu chứng khác như: cứng hàm, nói khó, nuốt khó.
nhiet-mieng-co-nguy-hiem-khong
Có thể nhầm lẫn nhiệt miệng với các triệu chứng của bệnh ung thư lưỡi
Tình trạng nhiệt miệng nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh do tác động đến quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng vào cơ thể. Vì vậy, khi bị bệnh này chúng ta cần có biện pháp điều trị kịp thời, phù hợp để hạn chế những tác hại của bệnh.
4. Nguyên nhân gây ra bệnh nhiệt miệng
Đến nay, khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây ra nhiệt miệng. Các chuyên gia chỉ tìm ra các yếu tố liên quan đến căn bệnh này như: thói quen vệ sinh răng miệng chưa đúng cách, chấn thương trong khoang miệng, nhiễm một số loại vi khuẩn, virus gây nhiễm trùng miệng, chế độ ăn uống thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, phụ nữ bị thay đổi nội tiết khi mang thai hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt, do bị căng thẳng, lo lắng.
Đông y cho rằng nguyên nhân gây ra nhiệt miệng là do các cơ quan nội tạng trong cơ thể: tỳ (lá lách), vị (dạ dày) bị nhiệt độc hoặc thấp nhiệt. Tức là tỳ vị bị nóng làm phát sinh khí nóng trong người xâm nhập vào các cơ quan tiêu hóa trên khiến miệng lưỡi bị khô, đỏ và lở loét. Một yếu tố khác cũng góp phần gây ra nhiệt miệng là âm hư hỏa vượng làm phát sinh nội nhiệt bốc hỏa gây loét miệng lưỡi.
Theo y học hiện đại, có nhiều nguyên nhân gây nhiệt miệng như:
Tổn thương hoặc nhiễm trùng khoang miệng
Hệ thống niêm mạc trong khoang miệng rất mỏng manh và nhạy cảm. Nếu tác động mạnh vào chúng cũng có thể dẫn đến tổn thương (thường là các vết trầy xước), từ đó hình thành nên các nốt nhiệt trong miệng. Chúng ta có thể gặp điều này khi vô tình cắn phải lưỡi hoặc môi khi ăn, khi đi làm răng hoặc các thủ thuật về nha khoa, khi chơi thể thao.
HP (Helicobacter Pylori) là một loại vi khuẩn thường cư trú và gây bệnh ở dạ dày, thực quản. Đôi khi loại vi khuẩn này còn được tìm thấy trong khoang miệng và gây viêm loét miệng khiến hơi thở có mùi hôi.
Chế độ dinh dưỡng bị thiếu một số chất như: sắt, acid folic, kẽm, vitamin nhóm B (B1, B6, B12), vitamin C.
Vitamin và khoáng chất là những chất rất cần thiết cho cơ thể (đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân chia của các tế bào). Khi thiếu các chất này, sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút, con người dễ mắc các bệnh viêm nhiễm trong đó có viêm miệng. Khi thường xuyên bị nhiệt miệng, không loại trừ khả năng bạn đang bị thiếu hụt một số loại vitamin và khoáng chất như: vitamin B6, B12, vitamin B9 (acid folic), vitamin C, D, PP; đặc biệt là vitamin B12.
Tạp chí “Hội đồng Y học Gia đình” của Mỹ đã đăng tải một nghiên cứu cho thấy: vitamin B12 có liên quan đến bệnh nhiệt miệng. Các nhà khoa học đã thử nghiệm cho một nhóm gồm 58 bệnh nhân hay bị nhiệt miệng dùng vitamin B12 vào buổi tối với liều 1.000 mcg mỗi ngày. Kết quả sau 6 tháng, 74% số người tham gia thử nghiệm đã hết hẳn bệnh.
vi-sao-hay-bi-nhiet-mieng
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Vệ sinh răng miệng chưa đúng cách
Việc vệ sinh răng miệng chưa đúng cách cũng là nguyên nhân phổ biến gây nhiệt miệng. Có thể kể ra một số thói quen như:
- Đánh răng sai cách: việc đánh răng quá mạnh, sử dụng bàn chải quá cứng hoặc bàn chải bị mòn khiến cho nướu răng, lợi hoặc niêm mạc miệng bị tổn thương, hình thành các vết loét nhỏ gây chảy máu, dần dần các vết loét lan rộng và sâu hơn dẫn đến nhiệt miệng.
- Dùng các chế phẩm thuốc súc miệng hoặc kem đánh răng có chứa hoặt chất natri lauryl sulfat gây kích ứng niêm mạc miệng. Tại Na Uy, một nghiên cứu cho thấy các sản phẩm nha khoa có chứa hoạt chất trên làm gia tăng tỷ lệ bị nhiệt miệng do sodium lauryl sulfat làm tăng hiệu ứng biến tính trên niêm mạc miệng khi tiếp xúc với các tế bào biểu mô cơ.
Mắc các bệnh về răng miệng như: sâu răng, viêm nướu răng, viêm tủy.
Các bệnh về nha khoa cũng có thể gây ra nhiệt miệng do tổn thương ở các mô mềm trong khoang miệng là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn tấn công, xâm nhập vào niêm mạc miệng và gây ra các vết loét.
Ăn uống thiếu khoa học hoặc không hợp vệ sinh
Nhiệt miệng là căn bệnh có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. Các loại thực phẩm sau được cho là yếu tố góp phần gây ra nhiệt miệng:
- Đồ ăn chua, cay, mặn: Các loại dưa muối, cà muối chua, ớt, hạt tiêu, kim chi.
Khi ăn nhứng món này sẽ gây kích ứng khiến niêm mạc miệng bị tổn thương và xuất hiện các vết loét làm cho người dùng bị đau rát miệng.
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Nếu ăn nhiều các món chiên xào cũng rất dễ dẫn đến nhiệt miệng do gây đầy bụng, khó tiêu. Mặt khác, các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ thường chứa lượng lớn các chất béo bão hòa, khi ăn sẽ làm tăng tốc độ các phản ứng viêm trong cơ thể trong đó có viêm miệng, lưỡi.
- Đồ ăn quá nóng
Đồ ăn quá nóng rất có hại cho hệ thống tiêu hóa: từ miệng cho đến dạ dày, thực quản. Khi ăn các món còn nóng có thể gây bỏng lưỡi, lớp niêm mạc miệng mỏng manh dễ bị tổn thương do không chịu được nhiệt độ quá cao của các thức ăn nóng dẫn đến phồng rộp và loét, chảy máu.
- Cà phê, nước ngọt và các loại đồ uống có cồn
Uống cà phê khiến cơ thể bị mất nước và gây ra hiện tượng khô miệng, còn nước ngọt chứa nhiều đường, khi uống nhiều sẽ làm cho niêm mạc miệng có tính axít. Tất cả các yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động trong khoang miệng, tấn công và gây viêm loét miệng.
Bia rượu và các loại đồ uống có cồn gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể (do làm cho máu bị loãng hơn) khiến niêm mạc miệng dễ bị tổn thương và hình thành các vết loét.
Phụ nữ bị rối loạn nội tiết hoặc mệt mỏi, stress trong thời gian dài
Một số chị em có thể bị nhiệt miệng thường xuyên trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời như khi mang thai hoặc trong giai đoạn hành kinh, đây là những thời điểm mà phụ nữ hay bị rối loạn nội tiết (các chất nội tiết thay đổi) dẫn đến thân nhiệt của họ biến đổi thất thường gây ra hiện tượng nóng trong và hình thành các vết loét trong miệng.
Các nhà khoa học cho rằng có mối liên hệ giữa căng thẳng và các bệnh về răng miệng, khi lo lắng, căng thẳng tăng lên bạn sẽ dễ bị nhiệt miệng hơn. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này do căng thẳng khiến hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả dẫn đến niêm mạc miệng bị viêm làm xuất hiện các nốt nhỏ.
nguyen-nhan-gay-nhiet-mieng
Một số nguyên nhân phổ biến gây nhiệt miệng
Mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch (sức đề kháng)
Một số bệnh gây suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiệt miệng như:
- Bệnh GERD (trào ngược dạ dày – thực quản).
- Bệnh HIV/AIDs.
- Bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính).
- Bệnh không dung nạp Gluten (Cedilac).
- Bệnh tổn thương mạch mạn tính (Behcet).
Nhiệt miệng gây đau đớn, khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Khi bị nhiệt miệng chúng ta cần kiêng các loại đồ ăn chua, cay, nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Uống nhiều nước (đặc biệt là nước hoa quả), ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại thức ăn dễ tiêu hóa: cháo, súp, canh. Nếu tình trạng nhiệt miệng thường xuyên tái diễn, cần đi khám nha khoa để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và có biện pháp phòng tránh thích hợp.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7