top

Danh mục sản phẩm

Bệnh cúm B là gì? Bệnh cúm B có nguy hiểm không? Triệu chứng của bệnh cúm B ở trẻ em

06/12/2022 14:55
Bệnh cúm B là gì? Bệnh cúm B có nguy hiểm không?
Triệu chứng của bệnh cúm B ở trẻ em
Bệnh cúm B là gì?
Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến số trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng mạnh, đặc biệt là bệnh cúm B. Cúm B là một trong hai loại bệnh cúm mùa phổ biến ở nước ta. Đây là một bệnh truyền nhiễm do virus Inluenza gây ra. Thống kê cho thấy, cúm B chiếm khoảng 25% số ca mắc cúm mùa hàng năm.
benh-cum-lay-qua-duong-nao
Cúm B là một trong hai loại cúm mùa phổ biến
Ở các quốc gia có khí hậu ôn đới, bệnh cúm thường gặp vào mùa đông, còn ở các nước nhiệt đới như nước ta, bệnh cúm có thể diễn ra quanh năm nhưng gặp chủ yếu vào mùa đông
Có mấy chủng cúm B?
Không giống như cúm A (được phân thành nhiều chủng), virus cúm B chỉ có một chủng duy nhất và được phân thành hai dòng phổ biến là YamagataVictoria. Virus cúm B có đặc tính di truyền kháng nguyên ít thay đổi hoặc thay đổi chậm hơn so với các chủng virus cúm A.
Victoria là dòng cúm B đầu tiên (xuất hiện trước năm 1990), sau đó dòng cúm Yamagata mới xuất hiện (sau năm 1990). Trong những năm đầu của thế kỷ 20, cả hai dòng cúm trên cùng tồn tại song song, chúng thay phiên nhau nổi trội theo năm và khu vực gây nhiễm bệnh với số lượng lớn cho nhân loại.
Bệnh cúm B lây qua đường nào?
Khác với cúm A, bệnh cúm B không lây truyền qua động vật mà chỉ lây từ người bệnh sang người lành. Virus cúm B lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh hoặc người chạm vào bề mặt bị dính các giọt bắn rồi đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
Bệnh cúm B có nguy hiểm không?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC): cả hai loại cúm mùa (cúm A và cúm B) đều có mức độ nghiêm trong như nhau. Điều này bác bỏ quan niệm trước đây cho rằng bệnh cúm B thường nhẹ hơn cúm A. Vì thế, chúng ta không được chủ quan với căn bệnh này.
Bệnh cúm B gây ra biến chứng gì?
Virus cúm B có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, nhất là ở một số đối tượng: phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), người già (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền hoặc hệ miễn dịch yếu.
benh-cam-cum-co-nguy-hiem-khong
Những người có thể gặp biến chứng nguy hiểm nếu mắc cúm
Đối với phụ nữ có thai
Phụ nữ mang thai (đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ) nếu bị nhiễm cúm B thì rất dễ dẫn đến xảy thai hoặc sinh non. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi nhất là các loại nội tiết tố dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch. Điều này khiến các thai phụ trở nên nhạy cảm và dễ bị tổn thương bởi các loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
Đối với trẻ em
Trẻ em thường có sức đề kháng yếu do hệ miễn dịch của chúng chưa phát triển hoàn thiện nên khi cơ thể bị các loại virus, vi khuẩn tấn công thì rất dễ mắc bệnh và có nguy cơ trở nặng.
Những trẻ có nguy cơ gặp biến chứng nặng do cúm là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi); trẻ có bệnh lý nền: bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, rối loạn chuyển hóa, béo phì.
Trẻ sơ sinh bị cúm có thể dẫn đến viêm tai, viêm xương chũm hoặc nhiễm độc thần kinh.
Biến chứng suy hô hấp
Đây là biến chứng nặng nhất của virus cúm B, biến chứng này thường xảy ra khi người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch hoặc có bệnh lý nền mạn tính kèm theo bội nhiễm vi khuẩn. Người gặp biến chứng này thường có triệu chứng: khó thở, thở gấp, người tím tái, khạc đờm có dính máu. Biến chứng này rất nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Virus cúm cũng có thể gây ra một số biến chứng trên các cơ quan:
- Hệ tim mạch: viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, suy tuần hoàn
- Hệ thần kinh: viêm màng não, viêm não, viêm dây thần kinh.
- Hệ hô hấp: viêm phổi (tiên phát và thứ phát)
Triệu chứng của bệnh Cúm B
Thời gian ủ bệnh của cúm B khá ngắn (thường từ 1 đến 4 ngày kể từ lúc bị nhiễm virus cúm). Đối với trẻ em và những người có sức đề kháng yếu do hệ miễn dịch bị suy giảm thì thời gian ủ bệnh có thể lâu hơn.
Cũng giống như bệnh cúm A, người mắc cúm B thường gặp các triệu chứng sau:
Sốt: sốt vừa đến rất cao 
Ho khan
Viêm họng hoặc đau rát họng, ngứa cổ
Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi
Đau đầu, hoa mắt
Đau mỏi người, đau cơ, đau nhức các khớp. Đau ngay cả khi vận động nhẹ nhàng như: đi lại, leo cầu thang
Người mệt mỏi, cảm giác như bị kiệt sức.
Thấy ớn lạnh toàn thân
trieu-chung-cua-cum-b
Triệu chứng của bệnh cúm B
Nếu người bệnh cúm bị bội nhiễm vi khuẩn hoặc có bệnh lý mạn tính, hệ miễn dịch suy giảm thì có thể làm tăng nặng các triệu chứng ở đường hô hấp hoặc dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Với những người mắc bệnh hen phế quản, nếu mắc thêm cúm B thì các triệu chứng của bệnh hen suyễn sẽ nặng thêm, thậm chí một đợt hen nghiêm trọng dễ xuất hiện hơn.
Trẻ em mắc cúm, có thể có thể bị rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn chớ hoặc tiêu chảy, khô miệng, chán ăn. Các triệu chứng của cúm B khá giống với cảm lạnh, đa số trường hợp trẻ sẽ bình phục sau 1 – 2 tuần, tuy nhiên một số triệu chứng có thể diễn ra dai dẳng hơn: ho, mệt mỏi.
Phương pháp chăm sóc trẻ em bị nhiễm cúm B
Trẻ em mắc cúm B đa phần là nhẹ và có khả năng tự hồi phục, vì vậy việc điều trị chủ yếu là chăm sóc tại nhà. Phụ huynh cần ghi nhớ: thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus cúm, chỉ dùng thuốc kháng virus khi có chỉ định của bác sĩ.
Khi chăm sóc cho trẻ bị cúm tại nhà, cần thực hiện tốt một số việc như sau:
Cho trẻ nằm ở phòng rộng rãi, khô ráo, thoáng mát, yên tĩnh, tránh gió lùa. Không nên nằm gần điều hòa vì có thể khiến các triệu chứng: ho, khó thở, khan tiếng nghiêm trọng hơn.
Nếu trẻ bị sốt trên 38.5℃: hạ sốt cho bé bằng thuốc (có thể dùng Paracetamol với liều 10 – 15 mg/kg/lần, không dùng cho trẻ có bệnh gan), có thể cho uống ibuprofen với liều 6 – 8 mg/kg/lần (không dùng cho những trẻ nghi ngờ mắc sốt xuất huyết hoặc giảm tiểu cầu). Nếu bị sốt lại, có thể lặp lại liều dùng trên sau 4 – 6h. Ngoài ra có thể áp dụng biện pháp chườm nước ấm để hạ nhiệt cho bé ở những nơi có nhiệt độ cao như: nách, trán, bẹn.
Cho trẻ uống nhiều nhiều nước: có thể uống nước lọc, nước hoa quả nhiều vitamin C (cam, chanh, bưởi) hoặc dung dịch oresol. Không cho bé uống các loại nước có ga, đồ uống công nghiệp.
Chế độ ăn: cho trẻ ăn các loại đồ ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa: cháo, súp
Nếu trẻ bị ho: cho trẻ dùng các loại thuốc ho từ thảo dược.
Vệ sinh mũi, họng hằng ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý ấm
Rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn, virus gây bệnh.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
- Trẻ bị sốt cao (trên 38.5℃) hơn 3 ngày nhưng không giảm hoặc các bé bị sốt cao (trên 39.5℃) đã dùng các biện pháp hạ sốt: thuốc, chườm nước ấm, nằm ở phòng thoáng mát (26 - 29℃) nhưng không hạ sốt.
- Trẻ khó thở, thở nhanh bất thường: khò khè, thở rít, các cơ hô hấp bị co kéo, lồng ngực bị rút lõm.
- Mạch nhanh (ngay cả khi không sốt), chân tay lạnh.
- Trẻ bỏ ăn uống
- Trẻ có các dấu hiệu mất nước: môi khô, mắt trũng, đi tiểu ít (quan sát tã/bỉm thấy ít ướt hơn mọi khi), khát nước liên tục, hay đòi uống nước.
- Trẻ quấy khóc, không chịu chơi, người li bì hoặc co giật.
- Với những trẻ lớn có thể kêu đau bụng hoặc đau ngực, bị nôn ói nhiều.
Khi trẻ có một trong các yếu tố nêu trên hoặc cha mẹ thấy bất an về tình trạng của con em mình thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán.
khi-nao-can-dua-tre-den-benh-vien
Một số triệu chứng bất thường ở trẻ nhỏ cần thận trọng
Các bác sĩ nhi khoa cảnh báo các bậc phụ huynh không nên tự ý đưa trẻ đi làm xét nghiệm cúm B và các loại xét nghiệm khác. Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh cũng như các loại thuốc kháng virus. Việc chỉ định xét nghiệm và dùng thuốc nên theo sự hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế.
Cách phòng bệnh cúm B cho trẻ em
Để phòng bệnh cúm B cho trẻ, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau đây:
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người hoặc trẻ khác có triệu chứng của bệnh cúm. Nếu phải tiếp xúc, luôn giữ khoảng cách tối thiểu 1m với những người này.
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Dùng khăn giấy hoặc tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi, các loại khăn và giấy lau sau khi sử dụng phải cho vào thùng rác có nắp đậy. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và các chất sát khuẩn.
- Không cho bé dùng chung các vật dụng cá nhân với trẻ bị ốm: thìa, cốc uống nước, bình đựng sữa, đồ chơi hoặc các đồ dùng khác có tiếp xúc với miệng hoặc mũi.
- Thường xuyên làm sạch bề mặt các đồ vật mà trẻ hay chạm vào.
- Khi trẻ bị ốm, không nên cho đến trường mà nên để trẻ ở nhà chăm sóc để tránh lây bệnh cho những người khác.
- Tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ trong đó có vắc xin phòng cúm mùa (bao gồm cả cúm A và cúm B) cho những bé từ 6 tháng tuổi trở lên. Việc tiêm vắc xin phòng cúm nên được thực hiện nhắc lại hàng năm để tăng sức đề kháng cho trẻ, chống lại các chủng virus cúm gần đây nhất, qua đó giúp phòng các biến chứng nguy hiểm nếu không may nhiễm bệnh. 
cach-phong-benh-cum-b
Phương pháp phòng bệnh cúm B
Bệnh cúm B thường nhẹ và tự khỏi, tuy nhiên chúng ta tuyệt đối không được chủ quan với căn bệnh này. Trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi) khi bị nhiễm cúm B rất dễ sốt cao dẫn đến co giật, nguy hiểm. Ngoài ra, còn bị tiêu chảy, nôn ói nhiều gây mất nước, kiệt sức, mệt lả. Virus cúm rất dễ lây qua đường hô hấp, vì vậy khi chăm sóc bệnh nhân cúm, người nhà cần có biện pháp bảo vệ: đeo khẩu trang, mang găng tay, rửa tay thường xuyên để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh hoặc lây lan bệnh cho người khác.
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7