top

Danh mục sản phẩm

Bệnh Adenovirus ở trẻ em là gì? Bệnh Adenovirus có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết (triệu chứng) trẻ mắc bệnh Adenovirus

06/12/2022 15:10
Bệnh Adenovirus ở trẻ em là gì? Bệnh Adenovirus có nguy hiểm không?
Dấu hiệu nhận biết (triệu chứng) trẻ mắc bệnh Adenovirus
Thời gian gần đây, bệnh do adenovirus có xu hướng gia tăng ở nước ta. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung Ương – nơi tiếp nhận khám bệnh và điều trị phần lớn bệnh nhân mắc adenovirus. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh viện đã ghi nhận 3.130 trường hợp mắc adenovirus trong đó có 9 trẻ đã tử vong.
Chỉ trong 3 tuần của tháng 9 đã có 2.900 trẻ mắc bệnh, từ giữa tháng 9 đến nay, số ca bệnh tăng nhanh theo từng tuần. Nếu tuần từ 12/9 – 18/9 chỉ có 168 ca bệnh thì 2 tuần sau (từ 26/9 đến 2/10), số ca bệnh đã tăng lên gần 1.150 ca.
Theo Bệnh viện Nhi Trung Ương, tính đến ngày 3/10 có khoảng 300 bệnh nhân mắc virus Adeno đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có hơn 40 ca nặng và nguy kịch (trong số này: 6 trường hợp phải thở máy, 35 bệnh nhân phải thở oxy, 2 ca phải lọc máu và 2 ca phải sử dụng hệ thống tim phổi ngoài lồng ngực ECMO).
adenovirus
Bệnh do virus Adeno ở trẻ em tăng nhanh trong thời gian gần đây
Theo PGS. TS Trần Minh Điển – Giám Đốc Bệnh Viện Nhi Trung Ương: Bệnh nhân mắc virus Adeno đa số trong độ tuổi từ 1 – 3 tuổi. Năm nay không chỉ gia tăng số ca mắc mà tỷ lệ nhập viện cũng cao hơn so với các năm trước đây. Cũng theo PGS Điển, trẻ mắc virus Adeno thường có triệu chứng sốt cao liên tục (3 – 4 ngày) và kém đáp ứng với các thuốc hạ sốt. Đối tượng mắc bệnh có nguy cơ trở nặng (viêm phổi, suy hô hấp) là những trẻ có bệnh lý nền hoặc bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch.
Vậy bệnh do virus Adeno là gì?
Theo Giám đốc Trung tâm Hô Hấp Bệnh viện Nhi Trung ương (PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh): virus Adeno thuộc họ Adenoviridae, họ virus này gồm 2 nhóm: nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus) và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Virus gây bệnh trên người chủ yếu thuộc nhóm động vật có vú.
Adenovirus có sức đề kháng tốt và tương đối bền vững với môi trường (chúng có thể tồn tại và gây bệnh trong 7 ngày ở nhiệt độ 360℃, 14 ngày ở nhiệt độ 220℃ và 70 ngày ở ở nhiệt độ 40℃), chỉ đến khi nhiệt độ môi trường lên đến 560℃ loại virus này mới bị tiêu diệt trong vòng 3 – 5 phút.
Theo GS. TS Phạm Nhật An – Phó Chủ Tịch Hội Nhi khoa Việt Nam: các bệnh do Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu (xuất hiện từ những năm 1950), không phải bệnh mới nổi. Ở nước ta, chúng được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bệnh do virus Adeno có thể diễn ra quanh năm, nhưng thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa (Xuân – Hạ hoặc Thu – Đông).
Bệnh do virus Adeno là một bệnh virus cấp tính thường gặp ở đường hô hấp, các triệu chứng của bệnh rất đa dạng, nếu gây bệnh ở đường hô hấp trên thì triệu chứng điển hình là viêm mũi, còn nếu gây bệnh ở đường hô hấp dưới thì triệu trứng nổi bật là viêm phế quản hoặc viêm phổi. Ngoài viêm đường hô hấp, virus Adeno còn gây ra các bệnh khác như: viêm kết mạc mắt, các bệnh ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn, nôn), viêm màng não, viêm bàng quang …
virus-adeno-gay-ra-benh-gi
Các bệnh do Adeno virus gây ra
Virus Adeno được chia thành 7 nhóm (từ A đến G), trong đó có khoảng 50 tuýp gây bệnh ở người. Một số bệnh thường gặp do các chủng adenovirus phổ biến gây ra như:
- Viêm phổi
Chủ yếu là do virus Adeno thuộc các tuýp (type): 3, 4, 7, và 14 gây ra. Số ca viêm phổi do adenovirus gây ra chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng số trường hợp viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Trẻ bị viêm phổi do adenovirus thường có triệu chứng: sốt cao đột ngột (trên 39℃), ho, chảy nước mũi, khi chụp X-quang thấy xuất hiện các tổn thương ở phổi, những tổn thương này có thể lan rộng để lại di chứng xơ phổi, hoặc nặng hơn dẫn đến tử vong (tỷ lệ 8 – 10%).
- Viêm đường hô hấp cấp
Thường do virus thuộc các tuýp 4, 7 gây ra, có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn với những biểu hiện: sốt cao, ho, đau rát họng, sưng họng, có hạch sưng đau ở cổ. Viêm đường hô hấp do adenovirus thường diễn biến cấp tính, bệnh thường khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày.
- Viêm họng cấp
Bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các triệu chứng: sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, đau đầu. Viêm họng cấp thường kéo dài trong 1 – 2 tuần và có thể lây lan thành dịch. Việc chẩn đoán rất khó do triệu chứng của bệnh giống với các loại virus khác.
- Viêm kết mạc mắt
Bệnh viêm kết mạc hay thường gọi là đau mắt đỏ thường gây thành dịch vào mùa hè do sử dụng chung nguồn nước ở bể bơi với người bị nhiễm adenovirus. Người bệnh có biểu hiện viêm kết giác mạc cấp tính, mắt đỏ (một bên hoặc hai bên), chảy nước mắt. Khi bị viêm kết mạc, người bệnh cũng dễ bị bội nhiễm các loại vi khuẩn khác nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh adenovirus lây qua đường nào?
Bệnh do virus Adeno lây qua nhiều đường khác nhau, trong đó lây qua đường hô hấp là chủ yếu.
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp (giọt bắn hoặc dịch tiết) 
- Tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của người bệnh (sử dụng chung các vật dụng cá nhân).
- Qua đường niêm mạc (sử dụng nguồn nước bị nhiễm virus adeno từ bể bơi hoặc nước rửa bị nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi hoặc phân của người bệnh).
benh-adenovirus-o-tre-em-lay-qua-duong-nao
Các con đường lây nhiễm của bệnh do Virus Adeno
Bệnh Adenovirus ở trẻ em có nguy hiểm không?
Bệnh do virus Adeno là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Trẻ bị nhiễm adenovirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, suy đa phủ tạng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể để lại các biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ: giãn phế quản, phổi bị xơ hóa, viêm tiểu phế quản bít tắc sau khi nhiễm trùng.
bien-chung-cua-benh-adenovirus-o-tre-em
Các biến chứng của bệnh Adenovirus ở trẻ em
Triệu chứng của trẻ bị bệnh Adenovirus
Trẻ bị nhiễm Adenovirus thường có các triệu chứng: sốt cao, ho (ho khan hoặc ho có đờm), khò khè, có thể kèm theo hiện tượng viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ) và tình trạng rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn). Ở những trẻ diễn tiến nặng thì có thể gặp tình trạng khó thở.
trieu-chung-tre-bi-benh-adenovirus
Triệu chứng trẻ mắc bệnh do Virus Adeno
Trẻ mắc Adenovirus thường có các triệu chứng khá giống với triệu chứng của các bệnh ở đường hô hấp nên các phụ huynh rất dễ nhầm lẫn. Điều này khiến cho việc phát hiện bệnh thường chậm trễ, bệnh có nguy cơ lây lan nhanh và gây ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan, nên đưa con trẻ đến các cơ sở y tế khám khi có các triệu chứng để được chẩn đoán bệnh kịp thời.
Cần làm gì khi trẻ nghi ngờ mắc bệnh Adenovirus?
Khi trẻ nghi ngờ mắc bệnh do virus Adeno hoặc có các dấu hiệu của bệnh, việc đầu tiên cần làm là cách ly trẻ với những người xung quanh để hạn chế khả năng lây lan (trong trường hợp nhiễm bệnh), tiếp theo, nên đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán. 
Nếu không có điều kiện đến bệnh viện, hãy theo dõi chặt chẽ bệnh nhân tại nhà. Khi phát hiện thấy trẻ có các dấu hiệu chuyển nặng sau, cần lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất:
- Sốt cao liên tục (kéo dài trên 48h), khó hạ sốt dù đã dùng thuốc và các phương pháp khác.
- Khó thở, thở nhanh hơn so với độ tuổi, thở rít, rút lõm lồng ngực.
- Trẻ bị tiêu chảy, phân lỏng, đi cầu nhiều lần trong ngày.
- Trẻ li bì, vật vã, khó đánh thức, ăn uống kém, bị nôn nhiều (nôn tất cả mọi thứ ăn vào)
- Những trẻ có bệnh lý nền: đẻ non, mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi mãn tính, bệnh não, trẻ có hệ miễn dịch yếu, nhiễm khuẩn khi bị bệnh do Adenovirus thì rất dễ trở nặng. Vì vậy, người lớn cần đặc biệt chú ý đến các đối tượng này.
tre-bi-adenovirus-can-nhap-vien-khi-nao
Dấu hiện nhận biết trẻ mắc Adenovirus bị trở nặng
Để hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh cho trẻ, các phụ huynh cần tiến hành đếm nhịp thở cho trẻ để biết bé có thở nhanh hay không bằng cách sử dụng đồng hồ bấm giờ hoặc điện thoại thông minh có chức năng bấm giờ, đếm nhịp thở của trẻ trong một phút, sau đó đối chiếu với nhịp thở trung bình theo độ tuổi. Ngoài ra, nếu có điều kiện nên trang bị thêm máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu cho bé. Nếu chỉ số SpO2 đo được dưới 94% thì đó là một trong các dấu hiệu cho thấy trẻ chuyển nặng.
Có nên cho trẻ xét nghiệm Adenovirus?
Theo PGS. TS Trần Minh Điển – Giám Đốc Bệnh Viện Nhi Trung Ương: Các bậc phụ huynh không nên vì sốt ruột mà tự ý cho con đi xét nghiệm adenovirus để tránh lãng phí thời gian và tiền bạc. Việc xét nghiệm do bác sĩ chỉ định sau khi đã thăm khám cho trẻ. Chỉ định xét nghiệm thường dựa trên các yếu tố lâm sàng như: sốt, ho, triệu chứng viêm đường hô hấp, có tổn thương ở phổi, trẻ có bệnh lý nền và quan trọng nhất là phải có yếu tố dịch tễ, nguồn lây.
Cách phòng bệnh Adenovirus cho trẻ em
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh do virus Adeno gây ra. Vì vậy để phòng bệnh, chúng ta cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát tránh bị khói, bụi, đặc biệt không hút thuốc lá trong nhà.
Giữ vệ sinh thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ nhất là trước khi ăn.
Giữ gìn vệ sinh mũi họng cho bé bằng cách nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (đối với những trẻ nhỏ) và súc miệng bằng nước muối sinh lý (với những trẻ lớn hơn).
Mặc quần áo cho trẻ phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để bé bị cảm lạnh.
Khi ra ngoài, cần đeo khẩu trang cho các bé và tránh tiếp xúc với trẻ có dấu hiệu ốm, bị bệnh.
Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: cho bé bú mẹ sớm (ngay sau khi sinh) và hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, nên duy trì việc bú sữa mẹ đến 2 tuổi.
Nên có chế độ ăn dặm phù hợp cho trẻ, đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch các loại vaccine trong trình tiêm chủng quốc gia mở rộng.
cach-phong-benh-adenovirus-cho-tre-em
Các phương pháp phòng bệnh do Adenovirus ở trẻ em
Khi trẻ bị sốt cao, không đáp ứng với các thuốc hạ sốt và có triệu chứng ho, mệt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa bé đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán các bệnh do virus Adeno, tránh nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm do loại virus này gây ra.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7