top

Danh mục sản phẩm

Acid folic là gì? Acid folic có tác dụng gì? Phụ nữ mang thai cần bổ sung bao nhiêu acid folic mỗi ngày?

02/01/2022 14:13
Acid folic là gì? Acid folic có tác dụng gì?
Phụ nữ mang thai cần bổ sung bao nhiêu acid folic mỗi ngày?
Acid folic là gì?
Acid folic là một dạng tổng hợp của vitamin B9 - một loại vitamin nhóm B đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe mà cơ thể con người không tự tổng hợp được.
acid-folic-la-gi
Công thức hóa học của acid folic
Cả acid folic và folate (một dạng anion của acid folic) đều giữ vai trò quan trọng giúp đảm bảo các chức năng của cơ thể. Nếu thiếu hụt các chất này sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và hàng loạt những vấn đề nghiêm trọng khác: thiếu máu, dị tật thai nhi, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, tim mạch …
Sự giống và khác nhau giữa Acid folic folate
Acid folic và folate đều là một dạng của vitamin B9, cả hai hoạt chất này có rất nhiều điểm tương đồng khiến cho một số người lầm tưởng chúng là một. Thực ra, chúng có điểm khác nhau: acid folic là dạng tổng hợp của vitamin B9, sau khi uống vào cơ thể, acid folic phải trải qua quá trình chuyển hóa thành folate mới phát huy tác dụng. Trong khi đó, là folate dạng tự nhiên của vitamin B9.
Acid folic có tác dụng gì?
Đối với phụ nữ mang thai và thai nhi
- Phòng ngừa dị tật thai nhi
Phụ nữ mang thai nếu bị thiếu hụt acid folic, nhất là trong những tháng đầu tiên của thai kỳ sẽ dễ dẫn đến các dị tật cho thai nhi, thường gặp nhất là dị tật ở não (không não)ở cột sống (nứt cột sống)
Tật không não (vô sọ) là một dị tật đặc biệt nghiêm trọng ở thai nhi, trẻ mắc dị tật này sẽ khiến cho hộp sọ và các bộ phận khác trong não không hoàn thiện. Nếu thai nhi mà mắc dị tật này thì trẻ sinh ra không có cơ hội sống sót.
di-tat-ong-than-kinh-o-thai-nhi-do-thieu-acid-folic
Một số dạng dị tật ở thai nhi do người mẹ thiếu acid folic
Tật nứt đốt sống là một dạng dị tật ống thần kinh nghiêm trọng khác. Đây là khuyết tật mà một bộ phận của một hay nhiều đốt sống trong cơ thể không phát triển trọn vẹn khiến cho một đoạn tủy sống bị lộ ra. Trẻ mắc dị tật này khi sinh ra sẽ không thể phát triển thể chất một cách bình thường: bị liệt hai chân, gặp các vấn đề về não (tăng áp lực hộp sọ, mắc bệnh não úng thủy), hoặc có bị một số biến dạng nhất định ở bộ xương.
Các dị tật tại não và cột sống thường xảy ra trong hai tuần đầu tiên của thai kỳ, trước khi người phụ nữ nhận biết được mình có thai. Vì vậy phụ nữ cần bổ sung acid folic sớm trước khi có kế hạch mang thai. Thực tế cho thấy có nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, vì vậy các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên được cung cấp đủ lượng acid folic mỗi ngày. Bởi khi đã phát hiện mang thai thì việc bổ sung acid folic là quá muộn để phòng tránh các dị tật nghiêm trọng cho thai nhi.
- Phòng ngừa bệnh thiếu máu, giảm nguy cơ chậm phát triển ở thai nhi, sảy thai, sinh non ở phụ nữ mang thai.
Homocysteine là một loại acid amin trong cơ thể, chúng được tạo ra khi protein bị phân hủy. Ở nồng độ thấp, chất này không có hại, nhưng khi ở nồng độ cao, nó khiến cho máu dễ đông hơn khiến chúng ta có thể gặp các vấn đề về tim mạch, đột quỵ.
Ở phụ nữ mang thai, nếu nồng độ homocysteine cao có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai và các vấn đề nghiêm trọng khác như: tiền sản giật, sinh non, nhẹ cân.
nguyen-nhan-nao-gay-ra-tinh-trang-say-thai-lien-tiep-o-nu-gioi
Homocystein liên quan đến tình trạng sảy thai ở phụ nữ
Nồng độ homocysteine có liên quan mật thiết với acid folic. Các nghiên cứu cho thấy methylfolate (một dạng hoạt động của acid folic) giữ vai trò chuyển đổi homocysteine thành methionine (một loại acid amin không có hại). Khi cơ thể bị thiếu methylfolate (thiếu acid folic) thì quá trình chuyển hóa homocysteine thành methionine bị giảm hoặc gián đoạn, nồng độ homocysteine trong máu tăng cao đến mức nguy hiểm có thể gây ra tình trạng sảy thai liên tiếp ở phụ nữ mang thai.
Như chúng ta đã biết acid folic tham gia vào quá trình phân chia tế bào, đặc biệt là đối với tế bào hồng cầu, tạo ra các hồng cầu mới mang oxy từ phổi đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Khi thiếu acid folic sẽ dẫn đến thiếu máu, ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất của con người.
- Thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ
Acid folic giúp phòng ngừa chứng chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ nhỏ. Năm 2011, một nghiên cứu khoa học đã chứng minh những phụ nữ được bổ sung đầy đủ acid folic khi mang thai thì giảm được tỉ lệ đứa trẻ sinh ra bị chứng chậm phát triển ngôn ngữ.
Đối với phụ nữ
Acid folic đóng vai trò rất quan trọng đối với buồng trứng, giúp buồng trứng phát triển bình thường, đảm bảo cho việc rụng trứng và thụ thai ở nữ giới. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng vô sinh ở nữ giới là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Người mắc hội chứng này thường bị mất cân bằng nội tiết và rối loạn chuyển hóa: rối loạn điều hòa đường máu (kháng insulin). Điều này dẫn đến tình trạng không rụng trứng (buồng trứng không phóng noãn khi đến kỳ kinh), kinh nguyệt không đều (thưa kinh hoặc mất kinh), cường androgen (cơ thể nữ tiết ra nhiều hormone sinh dục nam) với các biểu hiện: lông, tóc rậm, giọng nói ồm ồm như nam giới, kháng insulin dẫn đến thừa cân, béo phì.
Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận rằng: acid folic có liên hệ mật thiết với hội chứng buồng trứng đa nang ở nữ giới. Những người mắc đa nang buồng trứng thường có nồng độ homocysteine cao hơn những phụ nữ bình thường khác. Năm 2014 các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan giữa acid folic với PCOS: Mối liên hệ này như sau
Acid folic và folate sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành 5 - Methyltetrahydrofolate (thường gọi tắt là 5 - MTHF) – chất có hoạt tính sinh học cuối cùng mà cơ thể sử dụng được. Quá trình chuyển hóa này cần đến một loại enzyme chuyển đổi có tên là MTHFR (Methylenetetrahydrofolate Reductase). Trong cơ thể, gen MTHFR có chức năng kích hoạt sản xuất enzyme MTHFR đảm bảo cho quá trình chuyển hóa acid folic và folate. Tuy nhiên, một tỉ lệ lớn trong chúng ta (khoảng 30 – 50%) mang đột biến gen MTHFR dẫn đến việc hạn chế sản xuất enzyme MTHFR. Đột biến gen MTHFR thường gặp ở những người mắc buồng trứng đa nang khiến cho việc sản xuất enzyme MTHFR không đủ dẫn đến việc chuyển hóa acid folic và folte diễn ra không hoàn toàn, lượng methylfolate được tạo ra không đủ, cơ thể thiếu hụt chất này nên không thể chuyển hóa được homocysteine thành methionine. Lượng homocysteine bị dư thừa trong cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng nguy hiểm: sảy thai ở phụ nữ, dị tật ống thần kinh ở thai nhi và các triệu chứng của buồng trứng đa nang.
qua-trinh-chuyen-hoa-acid-folic-trong-co-the
Quá trình chuyển hóa acid folic trong cơ thể
Đối với người bình thường
- Tăng cường chức năng não, giúp phát triển trí não
Các nghiên cứu khoa học đã tìm ra mối liên quan giữa nồng độ folate trong máu và chức năng não. Theo đó, những người có lượng folate trong máu thấp thường có chức năng não kém, tăng nguy cơ bị chứng mất trí nhớ và suy tinh thần ở người cao tuổi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung acid folic giúp cải thiện chức năng não và điều trị bệnh Alzheimer.
Năm 2109 một nghiên cứu được thực hiện trên 180 người trưởng thành mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ đã cho thấy việc bổ sung acid folic với lượng 400 mcg mỗi ngày trong thời gian 2 năm giúp cải thiện các chức năng não một cách đáng kể: chỉ số IQ, giảm nồng độ của một số loại protein liên quan đến sự phát triển của bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 121 người mắc bệnh Alzheimer cho thấy khi họ dùng 1.250 mcg acid folic mỗi ngày trong 6 tháng thì cải thiện được khả năng nhận thức và các dấu hiệu viêm cũng giảm hơn so với những người dùng donezepil (một loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer)
axit-folic-co-tac-dung-gi
Các tác dụng nổi bật của acid folic
- Acid folic giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa acid folic và bệnh trầm cảm. họ nhận thấy rằng những người mắc bệnh trầm cảm có nồng độ acid folic trong máu thấp hơn những người bình thường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng acid folic và folate giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm khi được cùng với các thuốc chống trầm cảm. Hơn nữa, bảy nghiên cứu khác cũng cho thấy ở những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, việc sử dụng kết hợp cùng với acid folic hoặc folate giúp làm giảm các triệu chứng tiêu cực của bệnh nhiều hơn so với việc sử dụng các thuốc chống loạn thần đơn độc.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Trong cơ thể, nồng độ của homocystein (một loại acid amin) được xác định có liên quan mật thiết đến bệnh tim mạch. Khi nồng độ chất này cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng cao hơn và ngược lại, khi nồng độ homocysteine thấp thì đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn.
Acid folic và folate đóng vai trò chính trong quá trình chuyển hóa của homocysteine, khi lượng acid folic trong cơ thể thấp sẽ góp phần gây nên tình trạng homocysteine cao (hay còn gọi là hyper homocysteine). Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung acid folic giúp giảm nồng độ homocysteine qua đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Sau khi thực hiện hơn 30 nghiên cứu và trên 80.000 người, các nhà khoa học đã kết luận rằng việc bổ sung acid folic đầy đủ giúp giảm 10% nguy cơ bị đột quỵ và 4% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bổ sung acid folic cũng giúp hạ huyết áp, giảm hiện tượng cao huyết áp – yếu tố phổ biến gây ra bệnh tim, đồng thời giúp tăng lưu lượng máu, cải thiện chức năng tim mạch.
- Đối với người mắc bệnh tiểu đường
Acid folic giúp ổn định lượng đường huyết trong máu, kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả, giảm tình trạng kháng insulin, giảm nguy cơ gặp biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường. Hơn nữa, acid folic còn giúp tăng cường chức năng tim mạch ở những người bị đái tháo đường.
- Phòng ngừa bệnh ung thư
Acid folic tham gia vào quá trình tái tạo và phân chia của tế bào giúp cơ thể sản sinh ra các tế bào mới thay thế cho các tế bào cũ bị già và chết đi. Đồng thời, chất này còn giúp bảo đảm tính toàn vẹn, phòng ngừa những biến đổi bất thường ở ADN của tế bào. Acid folic giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư ruột kết. 
- Giảm tác dụng phụ của một số loại thuốc
Nhiều nghiên cứu cho thấy, acid folic giúp giảm tác dụng phụ của một số loại thuốc, điển hình nhất là methotrexate – thuốc ức chế miễn dịch với rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm được dùng trong phác đồ điều trị bệnh viêm đa khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến và một số loại ung thư.
Phụ nữ mang thai cần bổ sung bao nhiêu acid folic mỗi ngày?
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), phụ nữ cần bổ sung acid folic sớm (trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 3 tháng) để phòng ngừa các dị tật cho thai nhi và sản phụ. Theo tổ chức này, trước khi mang thai, phụ nữ nên bổ sung 400 microgam acid folic hoặc folate mỗi ngày. Trong giai đoạn mang thai, có thể bổ sung từ 600 – 1.000 microgam mỗi ngày. Đây là ngưỡng an toàn, không có hại cho sức khỏe. Không sử dụng quá 1.000 microgam mỗi ngày trong thời gian dài sẽ gây ra các triệu chứng khó chịu: tiêu chảy, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, cảm giác có vị lạ trong miệng, phấn khích, trường hợp nặng có thể gây động kinh.
phu-nua-mang-thai-can-bo-sung-bao-nhieu-acid-folic
Nhu cầu về acid folic của phụ nữ
Qua các phân tích trên, chúng ta đã thấy được lợi ích to lớn của acid folic đối với sức khỏe con người, vì vậy cần đảm bảo cơ thể không bị thiếu hoạt chất này. Tuy nhiên, việc bổ sung acid folic cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ dựa trên kết quả xét nghiệm và nhu cầu của mỗi người. Chúng ta không nên tùy tiện bổ sung acid folic với liều lượng cao, có thể dẫn đến các tác hại cho cơ thể.
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7