top

Danh mục sản phẩm

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp

26/01/2019 09:51
CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁI HÓA KHỚP
Thoái hóa khớp hay còn gọi là viêm xương khớp là bệnh mạn tính, phổ biến và thường gặp nhất trong số các bệnh lý về cơ xương khớp. Bệnh gây đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động của người bệnh. Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế khớp, làm mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
thoái hóa khớp là bệnh gì
Bệnh thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa: tỉ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh tăng lên.
Một số nguyên nhân chính gây thoái hóa khớp là: Yếu tố bẩm sinh, di truyền; quá trình lão hóa của cơ thể; mắc các bệnh lý xương khớp khác, chấn thương, tai nạn, nghề nghiệp, do cơ thể bị béo phì, tăng cân quá mức hoặc vấn đề nội tiết (thiếu hormon ở nữ, rối loạn hormone trong giai đoạn mãn kinh, bệnh tiểu đường hoặc loãng xương do nội tiết tố).
Các triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp là: đau khớp, cứng khớp, có tiếng kêu lạo xạo khi cử động các khớp, khớp bị sưng tấy, biến dạng, khó cử động các khớp.
Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa thoái hóa khớp áp dụng cho những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối ở mức độ nhẹ và trung bình. Phương pháp này nhằm mục đích bảo tồn sự toàn vẹn của các khớp và được các bác sĩ khuyến khích hơn cả. Phương pháp này bao gồm:
Vật lý trị liệu
Đây là phương án đầu tiên mà những người bị thoái hóa khớp nên nghĩ tới. Tuy nhiên, khi lựa chọn phương pháp này, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
- Lựa chọn các trung tâm vật lý trị liệu uy tín, với đội ngũ chuyên viên có kiến thức sâu về phục hồi chức năng để có được các bài tập đúng và hỗ trợ điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất.
- Mục đích của vật lý trị liệu là sửa chữa các tư thế xấu, ảnh hưởng không tốt đến xương khớp, duy trì dinh dưỡng cho các khớp. Phương pháp này bao gồm: mát xa các cơ, tập vận động khớp theo các bài tập, có thể kết hợp với việc dùng nhiệt (đèn hồng ngoại) để làm tăng hiệu quả của việc trị liệu. Nếu tập vật lý trị liệu thường xuyên, đúng phương pháp thì cách này cũng có tác dụng giảm đau khớp rất tốt.
- Tập luyện thể dục thể thao
Đối với người bị thoái hóa khớp thì bơi và đạp xe là hai môn thể thao tốt nhất. Nếu người bệnh chưa xuất hiện tổn thương các khớp khi chụp X quang thì có thể chạy bộ. Lưu ý, đối với người bị thoái hóa khớp gối không nên đi bộ quá nhiều nhất là trong giai đoạn khớp gối đang đau.
chữa thoái hóa khớp bằng vật lý trị liệu
Điều trị thoái hóa khớp bằng phương pháp vật lý trị liệu
Điều trị thoái hóa khớp bằng thuốc
Đây là phương pháp điều trị thoái hóa khớp phổ biến nhất, được nhiều bệnh nhân lựa chọn do: thuận tiện, dễ sử dụng, phát huy hiệu quả nhanh. Tuy nhiên, không được lạm dụng phương pháp này vì một số loại thuốc có tác dụng phụ nguy hiểm: gây viêm loét, chảy máu dạ dày, loãng xương, suy tuyến thượng thận, phù, suy gan thận. Việc sử dụng các thuốc này phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và được giám sát một cách chặt chẽ.
Các thuốc điều trị thoái hóa khớp thường dùng:
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid: paracetamol, ibuprofen, diclofenac …. Các thuốc này có tác dụng làm giảm quá trình viêm khớp, giảm đau khớp, nhưng chúng có nhược điểm là thường gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa (viêm loét, chảy máu).
thuốc giảm đau chống viêm không steroid NSAIDs
Thuốc giảm đau, chống viêm, không Steroid NSAIDs
- Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: glucosamine, diacerein, chondroitin, methylsulfonylmethane (MSM). Các thuốc này phát huy tác dụng chậm nên phải dùng lâu dài.  Các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh phối hợp thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm với các thuốc giảm đau, chống viêm để tăng hiệu quả điều trị và phát huy nhanh tác dụng giảm đau, chống viêm.
- Thuốc tái tạo sụn khớp, bôi trơn các khớp: Hyaluronic acid, chondroitin
- Tiêm corticoid trực tiếp vào ổ khớp: được chỉ định đối với các trường hợp viêm khớp nặng, xuất hiện nhiều dịch trong ổ khớp. Một số loại thuốc thường được dùng để tiêm vào khớp như: methylprednisolon, betamethasone … Khi tiêm các thuốc này sẽ có tác dụng giảm đau chống viêm khớp trong thời gian dài (trong một vài tháng). Việc tiêm thuốc vào các khớp phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa xương khớp và được thực hiện tại các cơ sở y tế (phòng khám, bệnh viện) có đủ điều kiện.
thoái hóa khớp dùng thuốc gì
Tuyết liên phong thấp linh chữa thoái hóa khớp của Malaysia
Điều trị ngoại khoa thoái hóa khớp
Điều trị ngoại khoa chỉ được áp dụng khi thoái hóa khớp đã có biến chứng nặng: hẹp khe khớp, khớp bị biến dạng, hạn chế chức năng vận động, khớp gối bị đau nhiều, việc điều trị nội khoa thất bại, không đem lại hiệu quả.
Các phương pháp điều trị ngoại khoa
Phẫu thuật nội soi làm sạch khớp
Phẫu thuật nội soi khớp được áp dụng ở nước ta từ năm 1994 đến nay, thể hiện bước tiến vượt bậc của ngành chấn thương, chỉnh hình.  Phẫu thuật nội soi khớp được áp dụng đối với những bệnh nhân thoái hóa khớp gối nguyên phát (thoái hóa khớp do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể) đã thể hiện các triệu chứng trên lâm sàng: đau, hạn chế vận động đầu gối. Đã áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa  nhưng không có kết quả. Các trường hợp áp dụng phương pháp này bao gồm: thoái hóa khớp gối giai đoạn 2 và 3 (hẹp khe khớp và có gai xương, đặc xương dưới sụn, đầu xương bị biến dạng), thoái hóa khớp gối kèm theo dị vật ở khớp gối hay còn gọi là chuột khớp gối (những mảnh xương hoặc sụn hoặc cả 2 loại trên chuyển động tự do trong khớp), trên lâm sàng có biểu hiện kẹt khe khớp, thoái hóa khớp gối kèm theo tình trạng viêm dày bao hoạt dịch.
Tuy nhiên kỹ thuật này không được áp dụng cho những người bị thoái hóa khớp giai đoạn 4 (khe khớp bị hẹp nhiều, gai xương có kích thước lớn, khớp đã biến dạng), người bị thoái hóa khớp gối giai đoạn 2 và giai đoạn 3 do đã bị viêm đa khớp dạng thấp hoặc cơ thể mắc một số bệnh lý mạn tính không cho phép phẫu thuật: rối loạn đông máu, nhiễm trùng cấp tính tại đầu gối hoặc nhiễm trùng toàn thân.
phẫu thuật nội soi khớp gối
Phẫu thuật nội soi khớp gối
Phẫu thuật nội soi tạo tổn thương xương dưới sụn
Phương pháp này áp dụng cho các trường hợp thoái hóa khớp gối thứ phát (thoái hóa khớp không do nguyên nhân lão hóa mà do các nguyên nhân khác như: chấn thương, các bệnh khác về xương khớp, béo phì …) vùng khuyết sụn có diện tích nhỏ hoặc vừa (< 4cm²). Hiện nay, các bác sĩ thường phối hợp phẫu thuật nội soi tạo tổn thương xương dưới sụn với phương pháp ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối nguyên phát giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Ghép tế bào sụn tự thân hoặc đồng loại
Phương pháp này được áp dụng cho những bệnh nhân trẻ tuổi, vùng khuyết sụn nhỏ và vừa (1 - 4cm²), thoái hóa khớp thứ phát sau chấn thương.
Các bác sĩ lấy tế bào sun từ các mô sụn của bệnh nhân qua nội soi khớp, các tế bào sụn này được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt (giàu chất dinh dưỡng và các yếu tố giúp tế bào tăng trưởng) trong thời gian từ 3 – 4 tuần để các tế bào này tăng sinh về số lượng. Sau đó, khối tế bào sụn (sau khi tăng sinh – khoảng 12 triệu tế bào) được ghép lại vào vùng khuyết sụn và được cố định bằng màng xương lấy từ xương chầy của bệnh nhân.
Phương pháp ghép tế bào sụn tự thân có ưu điểm là: lớp sụn mới được tao ra vẫn mang bản chất là sụn trong nên có thể thay thế tốt được vùng khuyết sụn. Lớp sụn này cũng có độ bám dính tốt do có sự liền xương với xương. Nhưng nó cũng có nhược điểm là tạo ra tổn thương mới tại ví trí lấy sụn (trường hợp ghép sụn tự thân). Nếu là sụn ghép đồng loại thì sẽ phát sinh vấn đề xử lý mảnh ghép và thải ghép. Khi xương chưa liền, mảnh ghép dễ bị rơi vào khớp tạo thành dị vật ở khớp khiến khớp bị kẹt khi người bệnh vận động.
Đục xương chỉnh trục
Mục đích của phương pháp đục xương, sửa trục là: thay đổi trục cơ học (trục chịu lực của chân) từ đó chuyển trọng tâm chịu lực từ khớp từ khoang bị thoái hóa sang khoang lành theo trục sinh lý của khớp gối, qua đó giúp giảm tải áp lực lên bề mặt khớp bị thoái hóa, làm chậm quá trình thoái hóa khớp giúp giảm đau cho bệnh nhân.
Phương pháp này thường áp dụng cho những người bị thoái hóa khớp gối sớm, thoái hóa một khoang (khoang trong hoặc khoang ngoài) của khớp.
Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng có nhược điểm: nguy cơ tai biến liệt thần kinh mác (do tác động đến đầu trên của xương mác). Bên cạnh đó, sự mất xương và thay đổi trục chi cũng gây ra những khó khăn, phức tạp cho quá trình thay khớp về sau.
đục xương sửa trục
Đục xương chỉnh trục áp dụng cho các dị tật ở khớp
Phẫu thuật thay khớp
Thay khớp được chỉ định khi thoái hóa khớp gối ở giai đoạn 3 và giai đoạn 4 và bệnh nhân không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Đây là phương pháp điều trị mang tính triệt để, người bệnh có thể sớm phục hồi lại chức năng vận động của khớp gối sau khi mổ. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật lớn, chi phí tốn kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Các khớp nhân tạo chỉ có tuổi thọ từ 10 – 15 năm, nếu người trẻ tuổi thay khớp nhân tạo thì nguy cơ phải thay lại khớp nhiều lần trong đời. Chính vì thế nên việc phẫu thuật thay khớp gối phải được cân nhắc trên nhiều khía cạnh và phương diện: tuổi tác của người bệnh, mức độ thoái hóa khớp, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị khác …
thay khớp nhân tạo
Thay khớp gối nhân tạo
 
Hotline Hotline Zalo Zalo
Call
Tư vấn 24/7